Làng nghề nước mắm truyền thống nguy cơ "treo lều"
Trong bối cảnh lượng tiêu thụ nước mắm truyền thống đang tăng mạnh nhờ kinh tế nói chung, du lịch nói riêng phục hồi sau đại dịch, thì hàng loạt cơ sở sản xuất nước mắm ở TP Phan Thiết phải “ngóng” nguồn nguyên liệu là điều đáng báo động. Từ đầu năm tới nay, Cơ sở nước mắm truyền thống Bà Hai (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) đành phải bỏ trống khoảng 40% mái muối mắm vì không có nguồn cá cơm để sản xuất. “Chúng tôi đã đi khắp nơi để tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhưng không tìm được. Hiện tại, mái muối nào rút hết mắm thì đành bỏ không, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất”, ông Nguyễn Hữu Dũng, chủ Cơ sở nước mắm Bà Hai, than thở.
Nguồn cá cơm bị đứt gãy, hàng trăm mái muối mắm của Cơ sở sản xuất nước mắm Ngọc Định (TP Phan Thiết) phải bỏ trống. |
Tương tự, gần một năm nay, do nguồn cá cơm bị đứt gãy, Cơ sở nước mắm truyền thống Ngọc Định (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết) đã phải bỏ trống gần 200 mái muối trong tổng số khoảng 400 mái muối. Ông Huỳnh Đức Ngọc, chủ cơ sở, cho biết: “Nước mắm truyền thống Phan Thiết được làm hoàn toàn bằng cá cơm. Vậy nhưng, từ tháng 8-2021 đến nay, cơ sở của tôi không thu mua được nguồn nguyên liệu nên các mái muối còn lại chỉ có thể cung cấp cho thị trường đến cuối năm nay”.
Theo các cơ sở nước mắm truyền thống tại Phan Thiết, hàng năm, các cơ sở thường trông đợi vào vụ cá nam và vụ cá bấc để thu mua nguyên liệu sản xuất. Thế nhưng, năm nay cả hai vụ cá đều khan hiếm nguồn cá cơm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết Trương Quang Hiến, đến nay, hiệp hội đang có khoảng 44 cơ sở sản xuất, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 20 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, nguồn cá cơm bị thiếu hụt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến làng nghề nước mắm truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm này.
“Nguyên nhân chính khiến nguồn cung cá cơm thiếu hụt trong nhiều tháng qua là do xăng dầu, nhân công… tăng giá khiến ngư dân ngại đi biển đánh bắt. Mặt khác, thời tiết không thuận lợi cũng khiến các luồng cá cơm ít xuất hiện, năng suất đánh bắt không cao. Hiện tại, các cơ sở chỉ còn trông đợi vào vụ cá cơm tháng 7 sắp tới để hy vọng có thể lấp đầy các mái muối, kịp cung cấp cho thị trường vào năm sau”, ông Trương Quang Hiến chia sẻ.
Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho rằng, chi phí đi biển tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt hải sản của ngư dân. Do vậy, để khai thác hiệu quả nguồn hải sản cung cấp cho nhiều ngành nghề, trong đó có nghề sản xuất nước mắm truyền thống thì Nhà nước cần xem xét có những chính sách, hỗ trợ chi phí, từ đó tạo động lực cho ngư dân an tâm bám biển.