Làng đá Khuổi Ky: Điểm sáng du lịch cộng đồng tại Cao Bằng
Redouane Mahi đang có chuyến du lịch ở Việt Nam. Trước khi đến Cao Bằng, anh dành nhiều thời gian ở Hà Nội, Sa Pa (Lào Cai) và hiện ở làng Khuổi Ky, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được hai ngày. Anh cho biết muốn khám phá thêm hoạt động văn hóa cộng đồng độc đáo ở nơi đây.
Làng đá Khuổi Ky nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đức Yên) |
Làng Khuổi Ky nổi bật với những ngôi nhà sàn bằng đá trải rộng trên diện tích khoảng 10.000m2, tựa lưng vào núi đá vôi sừng sững, phía trước là dòng suối Khuổi Ky trong veo, mát rượi. Những năm gần đây, ngôi làng cổ của người Tày thu hút nhiều du khách nhờ nét độc đáo về kiến trúc và văn hóa truyền thống. Bà con người Tày nơi đây đã tận dụng những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi, được xây hoàn toàn bằng đá, lợp ngói âm dương truyền thống để làm homestay đón khách lưu trú.
Vợ chồng anh Triệu Ích Sỹ - chị Lý Thị Điệp là những người tiên phong làm du lịch cộng đồng tại Khuổi Ky. Anh Sỹ kể: "Năm 2016 tôi đi du lịch Hoàng Su Phì (Hà Giang), thấy bà con làm du lịch cộng đồng hay quá nên bàn với vợ mở homestay, lấy tên là Yến Nhi. Chúng tôi tận dụng ngôi nhà 5 gian ở trong làng để đón khách, chỉ mất 50 triệu đồng để mua thêm chăn, ga, gối, đệm. Năm 2021, chúng tôi xây dựng homestay thứ hai lấy tên Yến Nhi 2 với 17 phòng và một nhà sàn có thể đón 25 - 30 khách ở tập thể.
Phòng hang động của Yến Nhi homestay thu hút khách du lịch bởi sự độc đáo. (Ảnh: Yến Nhi homestay) |
Tận dụng địa thế độc đáo của homestay - lưng tựa núi, mặt hướng về suối, chúng tôi làm hai căn phòng nghỉ sát vách núi đá. Một mặt căn phòng là vách núi đá vôi nhấp nhô, các mặt còn lại được xây dựng bằng đá, có cửa sổ nhìn ra sân chung. Căn phòng có đầy đủ tiện nghi với nhà vệ sinh khép kín, điều hòa, tủ quần áo, wifi miễn phí... với chi phí 800 - 1 triệu đồng/đêm. Căn phòng này được nhiều du khách yêu thích vì sự mới lạ, độc đáo. Họ tìm tới đây để trải nghiệm ngủ trong hang động sẽ ra sao..."
Cùng với việc từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ, gia đình anh Triệu Ích Sỹ còn chú trọng quảng bá homestay trên các nền tảng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok, liên kết với các nền tảng du lịch lớn như: Booking, Agoda... để giới thiệu homestay của gia đình đến du khách trong và ngoài nước.
Khi có khách nước ngoài liên hệ, ban đầu do hạn chế giao tiếp bằng ngoại ngữ, vợ chồng anh sử dụng công cụ dịch ngôn ngữ thông minh Google dịch để tìm hiểu và đáp ứng các yêu cầu của khách. Sau một thời gian được tập huấn, lại có cháu học đại học ở Hà Nội về hỗ trợ, việc giao tiếp với khách nước ngoài đối với homestay Yến Nhi trở nên dễ dàng hơn. Vì thế, homestay thường xuyên kín khách.
"Hai năm trở lại đây, khách biết đến homestay nhiều hơn, vào cuối tuần thường có 20-30 khách/ngày. Trước đây, gia đình tôi trồng ngô, lúa chỉ đủ ăn, mỗi lần muốn đi chợ phải bán thóc, bán ngô. Bây giờ nguồn thu chính của gia đình đến từ kinh doanh dịch vụ homestay", anh Sỹ cho biết.
Chị Nguyễn Thị Phương, chủ Tày’s homestay. (Ảnh: Nhật Anh) |
Nhập cuộc kinh doanh homestay muộn hơn (từ năm 2022), chị Nguyễn Thị Phương (ở làng Bản Giốc, huyện Đàm Thủy, tỉnh Cao Bằng), chủ Tày’s homestay, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ gia đình đi trước ở trong làng và nhiều địa phương khác.
Giữ nguyên kiến trúc nhà sàn đá của người Tày, mái ngói âm dương, cột nhà gỗ nghiến 5 gian, lan can gỗ, cầu thang đá… song chị Phương đã nâng cấp cơ sở vật chất nhằm mang lại không gian sống thoải mái và tiện nghi cho khách. Theo đó, chị xây nhà cao hơn để khách không bị cụng đầu; sử dụng trần tôn hai lớp dưới mái ngói âm dương để tránh thấm nước vào mùa mưa bão; đổ bê tông rồi ốp gạch giả gỗ để tránh tiếng kêu cót két trên sàn. Ngoài ra, homestay còn cung cấp các hoạt động trải nghiệm văn hóa như hát then, đàn tính và nhảy sạp. Du khách đến Khuổi Ky được tham gia các công việc hàng ngày của người dân địa phương như gặt lúa, bắt cá suối, hoặc trải nghiệm trekking, leo núi...
"Chúng tôi vừa làm vừa học. Những ngày không có khách, bà con vẫn lo việc đồng áng, duy trì nếp sinh hoạt thường nhật. Khi homestay đông khách, chị em trong làng sẵn sàng chạy sang hỗ trợ. Trung bình thu nhập của nhân viên tại homestay khoảng 6,1 triệu/tháng. Những đợt đông khách, chúng tôi thuê người làng làm theo giờ với mức 350 nghìn đồng/giờ hoặc làm theo các show cụ thể với mức từ 100 - 500 nghìn đồng/show", chị Phương cho biết.
Chị em phụ nữ ở Khuôi Ky duy trì các câu lạc bộ hát then, đàn tính. (Ảnh: Tày's homestay) |
Hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho chị em trong làng Khuổi Ky, giúp họ có thêm thu nhập bổ sung từ việc tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch như hát then, đàn tính.... Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Tày tại làng Bản Giốc.
Theo ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh, đến nay tại Khuổi Ky có 17 homestay, thu hút khách tìm đến ngày một đông. Năm 2023, toàn huyện Trùng Khánh đón gần 1 triệu lượt khách, trong đó chỉ riêng làng đá Khuổi Ky đón khoảng 5.000 lượt, với hơn 20% là khách quốc tế. Việc phát triển thành công mô hình du lịch cộng đồng tại Khuổi Ky đã góp phần không nhỏ trong phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo của xã Đàm Thủy. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 8,9%.
Để phát triển du lịch bền vững dựa trên giá trị văn hóa bản địa, ông La cho biết thời gian tới huyện Trùng Khánh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về lễ tân, nấu ăn, lớp tiếng Anh ngắn hạn để bà con tiếp cận và mời gọi du khách. Huyện cũng phối hợp với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để hướng dẫn bà con xây dựng ban quản lý du lịch cộng đồng, thành lập đội văn nghệ và tổ chức mô hình phân loại rác thải để thu gom và xử lý rác thải.