Làm thế nào để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc hậu đại dịch?
Trung Quốc - thị trường khổng lồ
Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.
Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.
Hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19. |
Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê... đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.
Có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.
Nâng cao vai trò của việc tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản sang Trung Quốc thời gian qua còn nhiều bất cập, vấn đề tồn tại, hạn chế chưa thực sự bền vững trong khâu tổ chức sản xuất, xuất khẩu, khó kiểm soát vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu...
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc lại càng khó khăn hơn.
Để giải quyết những bất cập này cần sự vào cuộc sát sao, phối hợp ăn ý trong việc phổ biến về các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc để các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thuỷ sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thuỷ sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan cũng cần thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.
Bên cạnh những nỗ lực của các bộ, ban, ngành, thời gian qua, đối ngoại nhân dân đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế, xuất khẩu sang Trung Quốc. Đáng chú ý, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Sở Ngoại vụ Hà Giang linh động tiến hành làm việc với các đối tác nước ngoài theo hình thức trực tuyến, vận động, viện trợ các nguồn ngoại lực; nâng cao hiệu quả thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các địa phương phía Trung Quốc, các đối tác, tổ chức quốc tế, địa phương nước ngoài;... theo lộ trình Chiến lược hội nhập quốc tế, Đề án nâng cao hiệu quả hợp tác với các địa phương phía Trung Quốc.
Hội nghị trực tuyến và Lễ ký kết Chương trình Hợp tác giai đoạn 2021 tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tại điểm cầu Hà Giang (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang) |
Công tác ngoại giao kinh tế được tích cực triển khai. Các hoạt động triển lãm hàng hóa, xúc tiến đầu tư kinh tế với tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), các nước trong khu vực và trên thế giới đều chuyển sang các hình thức trực tuyến.
Các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan đối đẳng phía Trung Quốc để trao đổi thông tin, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tham mưu phương án giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn; kịp thời cảnh báo sớm về các diễn biến điều hành của phía Trung Quốc đối với hoạt động điều tiết, quản lý tại cửa khẩu.
Những biện pháp cụ thể đó đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hàng hóa của doanh nghiệp được thông quan nhanh chóng.