Xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc sẽ gặp khó dịp Tết 2022
Trao đổi với báo chí ngày 5/12, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, dịch COVID-19 thời gian qua đã làm cho tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong thuê mướn tàu, container, giá cước tăng 3-4 lần…, gây ra tình trạng ứ đọng hàng hóa.
Ông Nguyên cho rằng, điều quan ngại nhất sắp tới là dịp Tết Nguyên đán 2022 sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi nước này dự định sẽ tạm ngừng dịch vụ các cảng trong vòng 6 tuần trong dịp tết.
Giới vận tải biển nhận định đây là một quyết định có khả năng làm gia tăng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất căng thẳng.
“Việc này khiến hàng hóa chúng ta từ đường biển sẽ chuyển sang đường bộ, mà đường bộ như chúng ta biết lâu nay vẫn bị ách tắc, tết này khả năng sẽ ách tắc trầm trọng. Đây là dự báo tương đối chính xác, tình hình sẽ căng” – ông Nguyên cảnh báo và cho biết điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ rau quả, cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Dự báo xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2022 - Ảnh minh họa. |
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết, một khó khăn khác khi xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc là đa số mặt hàng của nước ta xuất khẩu vào thị trường này trùng với sản phẩm Trung Quốc cũng sản xuất được như thanh long, xoài, nhãn, bưởi, chuối…
Ông Nguyên nhấn mạnh điểm đặc biệt phải nói đến là diện tích vườn cây ăn trái trồng theo tiêu chuẩn GAP của nước ta hiện còn khiêm tốn (khoảng 20-30%) nên khó khăn trong nguyên liệu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng với đó, công nghệ bảo quản rau quả thì chưa cao nên đi các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ còn khó khăn, đi đường máy bay nên số lượng không lớn.
Thế nhưng, ông Nguyên nhận định, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thuận lợi là khoảng cách địa lý gần nên chi phí vận chuyển thấp hơn so với các thị trường khác.
Một tín hiệu khả quan là Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mua hàng nhiều hơn từ các nước nhiệt đới và sẽ tăng kim ngạch nhập khẩu trái cây lên khoảng 150 tỷ USD trong 5 năm tới.
“Hiện mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 10-15 tỷ USD trái cây từ ASEAN, như vậy nước này sẽ tăng mua sản lượng trái cây từ ASEAN lên, đây là thuận lợi trong 5 năm tới” – ông Nguyên nói và kiến nghị đẩy mạnh trồng theo GAP, đàm phán mở rộng mặt hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc (hiện Việt Nam có 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong khi Thái Lan có tới 22 loại)…
Số liệu từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, sản lượng 15 loại cây ăn trái chính phía Nam năm 2021 đạt khoảng 7,1 triệu tấn (riêng tháng 12 khoảng 737 nghìn tấn).
Trong đó, nhiều nhất là thanh long với hơn 1,3 triệu tấn; chuối hơn 1 triệu tấn; xoài 878 nghìn tấn; sầu riêng hơn 642 nghìn tấn; cam 535 nghìn tấn; dứa 527 nghìn tấn; mít 524 nghìn tấn; bưởi 515 nghìn tấn; nhãn 337 nghìn tấn; chôm chôm 309 nghìn tấn; quýt 138 nghìn tấn; chanh leo 130 nghìn tấn; mãng cầu 109 nghìn tấn; bơ 100 nghìn tấn; vải 6,8 nghìn tấn.
Sản lượng nhiều nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 4,1 triệu tấn (chiếm 58% toàn vùng); Đông Nam Bộ gần 1,2 triệu tấn (chiếm 17%); Duyên hải Nam Trung Bộ có hơn 1,1 triệu tấn (chiếm 16%) và Tây Nguyên có 665 nghìn tấn (chiếm 9%). Dự báo quý 1/2021 toàn vùng đạt hơn 1,6 triệu tấn.
Cũng theo Cục Trồng trọt, yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu (đặc biệt thị trường Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.
Trong khi đó, chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, tác động đến sản xuất cây ăn trái, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây. Trong khi năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu thì việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp đề xuất Cục Trồng trọt cùng các địa phương quy hoạch lại từng chủng loại cây ăn trái theo nhu cầu thị trường. Nâng cấp chuỗi từng sản phẩm cụ thể theo nhu cầu thị trường. Liên kết sản xuất hợp tác xã và doanh nghiệp. Phát huy lợi thế địa phương và hợp tác liên kết vùng, theo nhu cầu thị trường trong và ngoài nước cần quan tâm…
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021, nhưng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm vẫn đạt 2,82 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, 10 loại trái cây XK hàng đầu gồm thanh long, xoài, chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dưa hấu, vải, chanh leo. Số liệu thống kê cho thấy, có 10 thị trường tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Hà Lan, Nga, Úc. |
Đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 Trong dịp cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.... |
Tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh; mở rộng hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 Thông tin tới báo chí về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đã đề ra, nhất là tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh; mở rộng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19... |
Chủ động kiểm soát, bình ổn giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đồng thời sẽ tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2022. |