Lạm phát cao "phủ bóng" lên mùa mua sắm cuối năm tại Mỹ
Theo Vân Anh/TTXVN 05/12/2022 07:06 | Chuyện đó đây


![]() |
Người dân mua sắm tại cửa hàng ở New York (Mỹ) trong ngày Black Friday 25/11/2022. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Black Friday, ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn, thường mở đầu đợt giảm giá hàng năm tại Mỹ, khiến mùa mua sắm cuối năm trở nên sôi động. Tuy nhiên, năm nay, người tiêu dùng do lo ngại lạm phát cao kỷ lục đã trở nên cẩn thận dè dặt hơn trong việc chi tiêu.
Với giá thực phẩm, tiền thuê nhà, xăng dầu và các chi phí gia đình khác tăng cao, người tiêu dùng phải rất cân nhắc những gì họ mua. Nhiều người đã hoãn mua các mặt hàng có chi phí lớn như ôtô, tivi và thiết bị gia dụng.
Jennifer Sabin, một kỹ sư âm thanh đến từ New York, cho biết: “Năm nay tôi tiết kiệm nhiều hơn so với những năm trước, vì vậy tôi quan tâm đến giá cả vào thời điểm này.” Còn một nhân viên bán lẻ từ Washington, D.C. tên là Casey nói: "Tôi đã không mua sắm nhiều như năm ngoái vì mọi thứ đều đắt đỏ hơn rất nhiều."
Joanne Hsu, Giám đốc phụ trách Khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan, cho rằng tâm lý người tiêu dùng đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử.
Một báo cáo của công ty BlackFriday.com cho thấy 70% người mua sắm sẽ cân nhắc tới lạm phát khi mua sắm trong mùa lễ này và thậm chí nhiều người sẽ tìm kiếm lựa chọn các giao dịch có giá cả phù hợp.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng đang cảm thấy do dự hơn nhiều bởi lạm phát và những lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng trong bối cảnh các hoạt động bán lẻ đang trở nên ảm đạm hơn.
Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ dự kiến doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ tháng 11 và tháng 12 năm nay sẽ tăng từ 6% đến 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại giảm mạnh so với mức tăng 13,5% vào năm 2021.
Những con số này chưa được điều chỉnh theo lạm phát, nghĩa là chi tiêu thực thậm chí có thể giảm so với cùng kỳ năm trước.
Mùa mua sắm lễ hội ở Mỹ được coi là thước đo quan trọng về mức độ sẵn sàng chi tiêu của người mua sắm. Khoảng thời gian hai tháng giữa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh đã chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm của ngành bán lẻ.


Truyền hình

Ngắm hoa kèn hồng đẹp rạng ngời những con đường thành phố Hồ Chí Minh
Đáng chú ý
Chuyên gia: Quan hệ Việt Nam - Singapore giúp gắn kết ASEAN

Bài viết mới
Những đơn vị tiền tệ nào có giá trị nhất thế giới?

Ghé thăm 5 quốc gia nhỏ nhất thế giới

Chuyên đề

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhưng hợp tác kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc luôn phát triển mạnh mẽ, thực chất, là điểm sáng và trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước.