Làm gì ngày mai?
Phân công hợp lý theo tư duy vùng
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. |
Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ thường ưu tiên sự ổn định, bền vững về nguồn cung. Họ nhạy bén về chính trị để kịp thời định hướng, mở rộng và chuyển hướng đầu tư cho phù hợp xu thế, đảm bảo lợi nhuận lâu dài. Bên cạnh đó, họ thiên hướng hoạt động theo trào lưu, đi cùng nhau để có một quần thể hệ sinh thái tốt nhất. Họ ưu tiên đầu tư điểm đến đã hoặc sẽ có các nhà đầu tư khác tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, năng lượng sạch…
Các địa phương Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và phân công hợp lý theo tư duy vùng khi xây dựng quy hoạch để tạo ra quần thể sinh thái thu hút đầu tư tốt nhất. Tuyên bố chung và kế hoạch hành động trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ có nội dung đa phần về hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, đào tạo có ý nghĩa với sự phát triển của Việt Nam. Các thỏa thuận này cần được cụ thể hóa và xây dựng lộ trình thực hiện của hai bên, Việt Nam nên chủ động hơn vì các hợp tác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam và xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể, nhu cầu thực tế của ta. Việt Nam cần có cơ chế phối hợp liên ngành dưới sự chủ trì của Chính phủ. Từ đó làm đầu mối tổng hợp, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung đã thoả thuận. Bộ ngành, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các văn kiện, chủ động đề xuất, rà soát các nội dung, kinh phí, lộ trình, hợp tác cụ thể; tiến hành các công việc chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; chủ động liên hệ, tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Gia tăng sự hiểu biết ở các cấp
Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao. |
Các dự báo cho rằng, năm 2024, Trung Quốc khôi phục phát triển ổn định, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nội địa, khuyến khích tiêu dùng, tăng cường bảo đảm an ninh lương thực… là yếu tố thuận lợi để mở rộng các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, cần tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh (nông, thủy, hải sản), nhất là tại các địa phương còn nhiều tiềm năng chưa khai thác của Trung Quốc như miền Trung, miền Bắc, Đông Bắc, Hoa Đông...
Về đầu tư, việc Trung Quốc thực hiện song hành các mô hình tăng trưởng cũ, có thể khiến tình trạng sản xuất dư thừa càng thêm trầm trọng, nền kinh tế nước này càng có nhu cầu chuyển dịch ra bên ngoài qua các dự án đầu tư và hợp tác phát triển. Do đó, Việt Nam cần: thiết lập, triển khai cơ chế rà soát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên việc triển khai cụ thể hóa các thỏa thuận, chương trình hợp tác hai bên đã ký kết. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận nhằm gia tăng sự hiểu biết ở các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp về tiềm năng, ưu thế, nhu cầu hợp tác, tạo niềm tin và xung lực thúc đẩy hợp tác. Về du lịch, cần thúc đẩy triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác văn hóa - du lịch Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2023-2027, khẩn trương triển khai các chương trình quảng bá tại Trung Quốc, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu, thị hiếu đa dạng của du khách Trung Quốc trong giai đoạn mới hậu Covid-19.
Cần liên kết giữa các trường đại học
Kate Barlett, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. |
Hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ. Cả hai nước đều quan tâm thúc đẩy hợp tác đào tạo thế hệ trẻ. Một số ưu tiên là giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), đào tạo tiếng Anh và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các trường học của hai nước.
Hoa Kỳ đang xem xét các phương án khả thi để lồng ghép nhiều hơn các chương trình STEM trong hoạt động hợp tác giáo dục với Việt Nam. Chúng tôi hỗ trợ các giáo viên môn khoa học ở Việt Nam tiếp cận nguồn tài nguyên giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12 và đại học. Để tiếp cận cơ hội tốt trên thị trường việc làm toàn cầu, người trẻ Việt cần được trang bị kiến thức trong lĩnh vực STEM, kỹ năng tiếng Anh, các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện…
Về liên kết giữa các trường học, chúng tôi mong muốn xây dựng và quảng bá chương trình du học tại Việt Nam tới sinh viên Hoa Kỳ. Chúng tôi đã trao đổi với các trường đại học Việt Nam nhằm mở chương trình đào tạo bằng tiếng Anh để sinh viên Hoa Kỳ nói riêng và quốc tế nói chung có thể học tập tại Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi còn có Chương trình Fullbright với những học giả, sinh viên Hoa Kỳ sang Việt Nam học tập và nghiên cứu. Sau này khi trở về Hoa Kỳ, họ có thể giúp các học giả, sinh viên Việt Nam trong việc làm hồ sơ, tìm kiếm trường học tại Hoa Kỳ.
Ngày càng có nhiều trường đại học ở Việt Nam có chương trình liên kết với đại học nước ngoài, bao gồm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc cấp thị thực cho sinh viên Hoa Kỳ sang Việt Nam học còn một số khó khăn về thời gian, quy trình xử lý. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng của Việt Nam để làm sao tối giản nhất thủ tục này.
Tìm quân nhân mất tích
Grant T. Coates, Chủ nhiệm Ủy ban toàn quốc về tù binh và người mất tích (Hoa Kỳ). |
Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình, hợp tác và Phát triển bền vững nêu rõ: hai bên hợp tác chặt chẽ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, coi đây là ưu tiên trong quan hệ hai nước, giúp xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Đây là cơ sở để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức, đơn vị làm việc trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích và khắc phục hậu quả chiến tranh. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi tất cả các cựu binh, gia đình, người thân, bạn bè của họ hoặc bất kì ai có thông tin, câu chuyện, kỷ vật… từ cuộc chiến thì gửi cho chúng tôi. Những thứ đó là manh mối giúp tìm ra vị trí của những người đã mất trong chiến tranh. Tính đến ngày 9/6/2023, hơn 700 hài cốt lính Mỹ đã được nhận dạng, số người chưa được tìm thấy là 1.238. Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã cung cấp hơn 300 hồ sơ, giúp Việt Nam tìm kiếm một phần trong số 15.000 người mất tích.
Hãy đào tạo nhiều thợ giỏi
Ông Christopher Valoon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam - Chi hội Đà Nẵng. |
Chất lượng nhân lực là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi thu hút đầu tư, hợp tác với Hoa Kỳ.
Ở Việt Nam, tâm lý nhiều người vẫn coi trọng bằng đại học hơn đào tạo nghề. Điều này không phản ảnh đúng thực tế công việc tại các doanh nghiệp công nghệ. Nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên giỏi, giàu kinh nghiệm, được đãi ngộ cao không hẳn đã cần đến bằng đại học. Trong khi sinh viên các cơ sở đại học về công nghệ, kỹ thuật lại thiếu hiểu biết thực tế. Chương trình học của các em còn có khoảng cách so với các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp khi thiếu sự trải nghiệm tại các công xưởng, cơ hội làm việc trực tiếp với thiết bị, máy móc… Để người trẻ Việt Nam có cơ hội phát triển hơn nữa trong lĩnh vực kỹ sư công nghệ, nhất là công nghệ bán dẫn, Việt Nam cần đề cao hơn nữa công tác đào tạo nghề, đặt đào tạo nghề ngang hàng với giáo dục đại học.
Tăng cường giao lưu nghệ sĩ
Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc. |
Các chương trình biểu diễn của Việt Nam đều được công chúng nước bạn đón nhận, yêu thích. Nhiều năm trước, khi chúng tôi mang những tiết mục biểu diễn nghi lễ hầu đồng của Việt Nam đến Trung Quốc đã được các bạn đánh giá cao.
Tháng 12/2023, sân khấu Lệ Ngọc giới thiệu vở diễn Lá đơn thứ 72 về Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Hoàng Thanh Du đến sân khấu kịch Trung Quốc nhân Tuần lễ sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2023. Vở diễn đã nhận được sự tán thưởng của nhân dân nước bạn. Có ý kiến cho rằng, nhờ chương trình biểu diễn, họ có cơ hội hiểu biết thêm về vị lãnh tụ của Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi tin tưởng đây là dấu hiệu tốt cho hợp tác văn hóa hai nước…
Để phát huy lợi thế này, các tổ chức văn hóa, đoàn nghệ thuật cần tạo điều kiện cho nghệ sĩ tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng tại nước bạn.
Tranh thủ cơ hội việc làm
Ông Phạm Đức Luân - Giám đốc Công ty cổ phần Kokoro. |
Sự phát triển của quan hệ hai nước là cơ hội tốt cho các lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật. Người lao động sẽ được Chính phủ Nhật quan tâm, tạo điều kiện để phù hợp, đáp ứng được yêu cầu do Nhật Bản đề ra. Các công ty của Nhật cũng sẽ có nhiều chế độ ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho phát triển kinh tế. Nhật Bản có nhiều lợi thế thu hút lao động Việt Nam như: nhu cầu đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam; tương đồng văn hóa, phong tục; tính kỷ luật trong công việc, cách thức làm việc khoa học hiện đại… Lao động Việt Nam sau khi hoàn thành thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản có thể được tuyển dụng vào các vị trí công việc có thu nhập ổn định tại công ty của Nhật Bản tại Việt Nam cũng như tại các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác hoặc liên kết với đối tác Nhật Bản. Việt Nam cần có kế hoạch đào tạo nhân sự, lao động chất lượng cao cả trong và ngoài nước để đáp ứng được yêu cầu phía bạn. Doanh nghiệp, người dân hai nước cũng cần tăng thêm vốn hiểu biết về quy định pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước bạn để hợp tác kinh doanh, giao lưu, giao thương thuận lợi.
Mở rộng giao lưu với cộng đồng dân nước sở tại
Ông Hiroyuki Ogawa - Tổng thư ký Hiệp hội Nhật Bản - Việt Nam. |
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng đông đảo, gồm doanh nhân, người lao động, du học sinh, thực tập sinh… Nhiều người Nhật Bản cũng đã chọn Việt Nam là nơi sinh sống, học tập, làm việc.
Tuy nhiên đa số thành viên cộng đồng người Việt Nam, người Nhật mới sinh hoạt trong cộng đồng mình, chưa mở rộng giao lưu với người dân nước sở tại.
Thế hệ trẻ cần là lực lượng giữ vai trò trụ cột phát triển quan hệ hai nước trong hiện tại và những giai đoạn tiếp theo. So với thế hệ đi trước, giao tiếp giữa các bạn trẻ hai nước ngày nay thuận lợi hơn nhiều. Do đó càng cần thiết đẩy mạnh các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, tăng thêm hiểu biết lẫn nhau. Hiệp hội Nhật Bản - Việt Nam đã tổ chức chương trình đưa sinh viên một số trường Đại học của Việt Nam như: Đại học Xây dựng, Đại học Nông nghiệp… sang thực tế ở các trường Đại học của Nhật. Đây là cơ hội để sinh viên hiểu biết về sự phát triển của công nghệ Nhật Bản, tham khảo triển khai, phát triển tại Việt Nam.
Việt Nam từ đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh đã vươn lên thành quốc gia phát triển năng động trong khu vực. Các bạn trẻ Việt Nam sống có ước mơ, kỳ vọng. Tới đây chúng tôi sẽ liên kết với một số trường Đại học của Việt Nam, tổ chức các khóa giao lưu ngắn ngày, tạo cơ hội cho các bạn trẻ Nhật Bản sang trải nghiệm.
Phát huy kiều bào trong ngành công nghiệp bán dẫn
GS Đặng Lương Mô, Việt kiều Nhật Bản. |
Khi nâng cấp quan hệ 2 nước, các nhà lãnh đạo 2 bên đều ủng hộ sự phát triển của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở cánh cửa bước vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện nay với sự vào cuộc của nhà nước, nhà trường, nhà sản xuất, Việt Nam có đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để bước vào lĩnh vực này. Việt Nam cần có mô hình, cơ chế tổ chức thích hợp thu hút lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cụ thể có thể mời chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về nước 1-2 tháng hoặc làm việc trực tuyến. Nhà nước có thể thành lập tổ tư vấn kiều bào về vi mạch bán dẫn, tạo cơ hội để họ có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đội ngũ thiết kế và giúp tăng cường khả năng cạnh tranh…
Việt Nam nên có các chính sách về đấu thầu, vay tài chính, bảo hiểm, truyền thông... ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các dự án sử dụng ngân sách của Nhà nước.
Đối với những dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến yếu tố như: an toàn an ninh thông tin, an toàn năng lượng nên từng bước ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho các thiết bị và tiêu chí bắt buộc ứng dụng các sản phẩm vi mạch Việt.
Ngoài ra, chúng ta cần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cần hợp tác nghiên cứu với nhau.
Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng cần cải thiện hạ tầng thương mại
Ông Dai Yong Lin, Đại diện Văn phòng xúc tiến thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tại Việt Nam. |
Thị trường Việt Nam có nhu cầu lớn về mặt hàng đồ gia dụng, linh phụ kiện, máy móc thiết bị. Doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế về sự đa dạng sản phẩm, hàng hóa, giá thành phù hợp và sức cạnh tranh lớn. Hệ thống chuỗi cung ứng của Trung Quốc đầy đủ giúp xuất khẩu ra thị trường nước ngoài dễ hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc cũng gặp phải một số khó khăn tại thị trường Việt Nam như: áp lực cạnh tranh cao do nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng coi trọng thị trường Việt Nam, nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa có hiểu biết đầy đủ về sản phẩm Trung Quốc nên chưa có ấn tượng chưa tốt. Để hợp tác thương mại hai nước đạt hiệu quả trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung về mặt chính sách để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Việt Nam cần xây dựng hệ thống tín dụng đồng bộ, áp dụng cho người Việt Nam và người nước ngoài sống tại Việt Nam; ủng hộ và tạo điều kiện phát triển theo hướng bền vững, sử dụng năng lượng mới, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường tích hợp thanh toán điện tử, giảm bớt thanh toán tiền mặt trong giao dịch.
Cần thoát khỏi tư duy xuất khẩu tiểu ngạch
Bà Phạm Thị Bảo Anh - Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp Việt - Trung, Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. |
Năm 2023, chúng tôi tham dự nhiều hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư, kết nối giao thương giữa Việt Nam và các tỉnh của Trung Quốc như: Sơn Đông, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông… Đây là tín hiệu tích cực cho thấy các tỉnh thành tại Trung Quốc đều coi trọng xúc tiến thương mại với doanh nghiệp Việt Nam.
Tôi tin rằng, trong thời gian tới sẽ có những cuộc chuyển dịch sản xuất và đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam một cách mạnh mẽ nhất. Để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục được những khó khăn nội tại. Đó là: tăng cường hiểu biết về thị trường Trung Quốc về các quy định chính sách xuất nhập khẩu của nước bạn; chuyên nghiệp hóa việc truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì nhãn mác hàng hóa… Hiện, thói quen xuất khẩu tiểu ngạch vẫn tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam nên kết hợp với Trung Quốc xây dựng, phát hành những cẩm nang phổ biến, hướng dẫn cụ thể về chính sách, quy định xuất nhập khẩu của hai bên để doanh nghiệp biết, thực hiện. Đồng thời trao đổi, tháo gỡ những rào cản thương mại thuế quan…