Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước: Ngồi với nhau lâu hơn một chút
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc gọi “đường dài” từ thành phố Quảng Ngãi bên sông Trà Khúc thơ mộng của nhà báo, nghệ sỹ Hồng Mão: “Mình biết tin Đài Giải phóng họp mặt tại Hà Nội, muốn đi quá, nhưng vẫn chần chừ vì đầu gối nhức lắm. Nhưng đọc tin nhắn của trưởng ban liên lạc là “mọi người đang chờ anh” mình quên cả đau, mua vé máy bay ngay, ra Hà Nội liền, chờ nhé”. Giọng anh vẫn thế sôi nổi, sang sảng, có lúc ngân lên như hô bài chòi đến đoạn cao trào.
Nhà báo Hồng Mão ( thứ 2, từ phải sang) 92 tuổi từ Quảng Ngãi ra Hà Nội dự cuộc gặp mặt. |
Sáng 27 tháng 4, Hà Nội mưa rát rạt, anh chầm chậm vào cổng 56 Quán Sứ quen thân, trụ sở của Đài Phát thanh Giải phóng A (CP90) gần 60 năm trước, nơi anh từng sống, làm việc phụ trách phòng A7 (biên tập Văn nghệ). Anh ôm bạn bè đồng nghiệp thật lâu, hết người này đến người khác. Anh gọi Đài phát thanh Quốc gia là ngôi nhà chung thân thương nên khi lên bục phát biểu đọc luôn một mạch bài thơ dài như một biên niên sử của nhà Đài Phát thanh Giải phóng trong lòng Phát thanh Quốc gia. Thật không ngờ, anh cùng các cụ các bác, anh chị U100, U90, U80 và trẻ nhất là U70 như Trương Cộng Hòa, Bắc Việt lại hát say sưa hành khúc truyền thống “Giải phóng Miền Nam” của cố nhạc sỹ Huỳnh Minh Siêng hay đến như thế, xúc động đến thế, sáng nay, giữa lòng Hà Nội.
Anh Đỗ Xuân Mùi vào làm phóng viên Đài Giải phóng tại miền Đông Nam Bộ từ những năm sáu mươi thế kỷ trước nay tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng kể về những kỷ niệm làm phát thanh trong rừng vẫn sôi nổi. Anh chỉ lặng xuống, nước mắt rơm rớm khi nhớ về những đồng nghiệp đã chiến đấu quyết liệt, anh dũng hy sinh để bảo vệ lực lượng, bảo vệ làn sóng phát thanh. Có anh, có chị đang tuổi thanh xuân phải nằm xuống mãi mãi với đất Mẹ.
Hà Trung, con trai của một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Giồng Trôm, Bến Tre đầu quân cho Đài Phát Thanh Giải phóng khi mới 17 tuổi. Chàng trai trẻ hay cười hay hát, tham gia chương trình văn nghệ phát trên làn sóng lại chiến đấu quả cảm suốt cả ngày bảo vệ Đài trong một trận càn ác liệt năm 1967. Anh hy sinh khi tuổi tròn hai mươi. Tên anh trong 24 liệt sỹ khắc ghi trên bảng vàng Tổ quốc ghi công ở Lò Gò, Tây Ninh, căn cứ của Đài Phát thanh Giải phóng. Nghe chuyện về anh, đọc tên anh trong dòng tên liệt sỹ giữa một trưa nắng ở Lò Gò, tôi và nhà báo Kim Cúc, Lê Đình Đạo bồi hồi xúc động, tự hào về anh đã hiến cả tuổi xuân cho đất nước, cho tiếng nói Giải phóng.
Toà nhà Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 – Quán Sứ, Hà Nội) |
Tôi lặng thầm nhớ lại giữa năm 1971 cùng ở một phòng với nhạc sỹ Lê Cường. Tôi lấy vợ sớm, căn buồng khoảng chừng 15 mét, anh chia cho tôi phần hơn, ở giữa chắn tấm ri đô vải hoa mỏng tang, rung rinh mỗi khi có cơn gió hoang luồn qua cửa sổ. Anh bảo vợ chồng trẻ cứ sống thoải mái, anh xa vợ lâu ngày, quen rồi, và cũng quên rồi…
Không sao quên được nụ cười hiền, cảm mến của anh khi chia tay tôi lên đường vào Miền Nam, làm phóng viên, nghệ sỹ, nhạc sỹ thường trú Đài Giải phóng tại khu 5. Thế rồi hơn năm sau cả 56 Quán Sứ lặng yên, đau đớn khi anh chị em B2 (điện báo viên) nhận tin nhạc sỹ Lê Cường hy sinh ngay trên mảnh vườn quê nhà. Anh chưa kịp tặng mẹ chiếc áo len, quàng lên vai vợ chiếc khoăn voan sắm từ thủ đô với bao niềm thương nỗi nhớ. Trong ba lô anh để lại nhạc phẩm sông Trà với bao niềm yêu, khát vọng thân thương.
Kể lại những lần nhận tin chiến thắng từ chiến trường, anh Bùi Nghiêm đưa ngay cho anh chị em A1 (Thời Sự) kịp lên sóng. Anh hiểu đó là công sức, là chiến công và cả sự hy sinh của chiến sỹ, đồng bào, đồng nghiệp.
Ba người làm chương trình 30/4/75 là các nhà báo Trần Đức Nuôi (ảnh trái), Nguyễn Thị Kim Cúc và Trương Cộng Hòa (ảnh phải). |
Nhóm làm bản tin chiến thắng trưa 30 tháng 4 và chương trình đặc biệt kéo dài chiều hôm đó của phòng Thời sự không thể quên những giây phút vỡ òa cảm xúc. Kim Cúc kể lại cùng Quang Cường, Quang Khải, Trần Đức Nuôi, Trương Cộng Hòa chung tay làm chương trình đặc biệt dưới sự chỉ đạo của trưởng phòng Nguyễn Văn Vạn. Bức ảnh chụp chung hôm nay vắng anh Quang Cường đang ở thành phố Hồ Chí Minh, Quang Khải bị bệnh không đến được, anh Nguyễn Văn Vạn đã rời cõi tạm đến cõi bình yên mãi mãi. Nhớ thương anh, một khoảng trống trong bức ảnh này không thể bù lấp.
Trả lời câu hỏi hồn nhiên của Phương Thảo tôi chỉ nhắc lại trả lời phỏng vấn của phóng viên AFP cách đây 6 năm: “Nếu nói gọn về chiến sỹ, phóng viên chiến trường chỉ có thể là chịu đựng, chiến đấu, hy sinh, cống hiến. Hy sinh là cống hiến cao nhất”. Hy sinh một phần cơ thể là thương binh, hy sinh tính mạng là liệt sỹ, hy sinh tuổi thanh xuân là thầm lặng, đeo đẳng cho đến khi giả từ cõi đời này. Làm sao lấy lại được tuổi xuân cống hiến “toàn thắng về ta” cho các cụ U100, U90, U80, U70 có mặt trong cuộc gặp đầm ấm hôm nay.
Gặp nhau, nhớ về “ba mươi tháng tư” là được nhìn nhau, ôm nhau, ngồi với nhau lâu hơn một chút. Có lẽ vì vậy mà nhà báo, nghệ sỹ Hồng Mão vào tuổi 92 về cuối cùng sau bữa cơm trưa nhà Đài thết đãi. Tôi biết lâu rồi anh không ăn trưa, nhưng bữa trưa nay mâm nào anh cũng ngồi, cũng chuyện trò, cũng cười vui. Người anh có thấp hơn, nhỏ hơn, chân yếu hơn, ăn ít hơn, nhưng như anh nói “hơi thở còn sâu, tim vẫn nhiệt huyết và luôn nhớ về các bạn. Hãy ngồi với nhau lâu hơn một chút.”./.
58 Quán Sứ trưa 27 tháng 4 năm 2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Viết tiếp những kỳ tích tiến lên giàu mạnh, hùng cường của đất nước Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. |
Thế giới kỷ niệm ngày Cá tháng 4 ra sao? Ngày Cá tháng 4 được xem là ngày con người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau. Bạn có thể thỏa thích đi lừa mọi người bằng những trò đùa hay có thể thốt ra những lời nói dối không gây hại. |
Đà Nẵng kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng thành phố 46 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng từng ngày từng giờ “thay da đổi thịt” một cách mạnh mẽ và với những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. |