Kỷ niệm 50 năm về dự Quốc khánh lần thứ 25: Trong vòng tay Đất Mẹ
Tái hiện mùa thu năm 1945 qua những hiện vật hiếm thấy tại triển lãm “Ngày Độc lập 2/9”
“Ngày Độc lập 2/9” giới thiệu đến công chúng các nghị quyết, văn kiện của Trung ương Đảng; báo chí, truyền đơn; vũ khí; Quốc ... |
Long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 tại Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Thụy Sĩ, Brazil
Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Brazil đã có ... |
Bồi hồi, xúc động và háo hức
Khoảng tháng 6 năm 1970, Hội Người Việt Nam tại Pháp được tin trong nước có điện mời một đoàn đại biểu của Hội về nước tham dự lễ Quốc khánh lần thứ 25 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Hội nhận được vinh dự này.
Đoàn chúng tôi gồm có 25 đại biểu (ảnh trên). Phải đi tàu hỏa từ Paris sang Mạc Tư Khoa rồi từ đây đi tàu liên vận sang Bắc Kinh để về đến Hà Nội. Đối với một số đại biểu quê quán ở miền Bắc thì đây là lần trở về, có người sau hai mươi năm, có người đến 50 năm. Phần lớn các đại biểu còn lại quê quán ở phía Nam vĩ tuyến thứ 17, thì đây là một cuộc khám phá vì chưa bao giờ đặt chân đến miền Bắc và Hà Nội.
Bồi hồi, xúc động và háo hức là những cảm nhận từ sâu thẳm tình cảm của chúng tôi. Đất nước còn đang căng mình đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chi viện cho quân dân miền Nam đánh Mỹ, nhưng không quên kiều bào ở nước ngoài trong ngày trọng đại này của dân tộc.
Từ Quảng trường Ba Đình đến Trung tâm Hội nghị Quốc tế Paris
Tuyên ngôn Độc lập mà Bác đã đọc tại Quảng trường Ba Đình, nơi chúng tôi đang đứng, chúng tôi đã nằm lòng, nhất là đoạn mở đầu và đoạn cuối:
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
(…) Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
“(…) Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
Nằm lòng vì chúng tôi đã ra sức truyền đạt khi nói với bạn bè nước ngoài về ý nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Nhưng hôm nay, đứng tại Quảng trường này, nơi cách đây 25 năm Bác đã đọc, các đoạn văn trên cùng với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” càng có sức truyền cảm và thuyết phục mãnh liệt. Chúng tôi như được tiếp lửa khi trở về Pháp.
Bác ơi, chúng con đã về đây!
Đến viếng Nhà sàn Bác ở, đoàn may mắn được đồng chí Vũ Kỳ hướng dẫn và kể chuyện về Bác.
Đây là nhà của người thợ phụ trách điện của Dinh Toàn Quyền Đông Dương đã được Bác chọn làm nơi ở trong khi chờ đợi Nhà sàn xây xong. Kia là Đường thi hài con đường sỏi mà thi hài Bác đã được di từ nơi Bác đã trút hơi thở cuối cùng đến Hội trường Ba Đình. Đoàn 25 người chúng tôi mắt ai nấy đều nhòa lệ. “Chúng con về đây rồi Bác ơi! Nhưng muộn quá phải không Bác?”.
Những kỷ niệm đồng chí Vũ Kỳ kể về Bác là những bài học sống về Cần kiệm liêm chính, Chí công vô tư. “Thế các chú bày cho Bác học đòi thiên hạ à? Nếu thế thì Việt Nam mãi mãi sẽ không bằng ai!”. Bác đã đáp lại như thế khi bộ phận hậu cần xin thay bộ sofa đã sờn trong phòng tiếp khách. Và còn nhiều câu chuyện khác mang tính giáo dục như thế nữa.
"Bác ơi, trên con đường thi hài này, chúng con xin nguyện sống xứng đáng với Bác, người đã đưa đất nước từ bóng đêm nô lệ ra ánh sáng Độc lập Tự do, người đã sáng lập ra Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp cách đây nửa thế kỷ, người mà đến phút chót vẫn chăm lo cho đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, và căn dặn Đảng phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân".
Huyền thoại và giản dị
Đoàn đã được Chủ tich nước, Bác Tôn Đức Thắng, lãnh đạo Đảng, đồng chí Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Hoàng Quốc Việt, tiếp đón.
Tên tuổi của các đồng chí chúng tôi đã được nghe, và mường tượng như những huyền thoại, những con người mà lao tù không hủy diệt được ý chí cách mạng, những người, mặc cho tra tấn và cực hình, đã biến Côn Đảo thành trường đào tạo cán bộ cho Cách mạng, và là hiện thân của ý chí sắt đá đi đến mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa đất nước đến Độc lập, Tự do và Hạnh phúc.
Nhưng tiếp đoàn là những con người hết sức giản dị và chân tình. Bác Tôn và các đồng chí thăm hỏi kiều bào, nhắc nhở đoàn kết, mở rộng phong trào, tranh thủ bạn bè Pháp và quốc tế hỗ trợ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Các giới kiều bào đóng góp cho đất nước bây giờ là rất quý, nhưng cần nắm chuyên môn thật sâu, cao nhất có thể được để khi nước nhà độc lập, thống nhất cùng nhân dân trong nước xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Hành trình vào Vĩnh Linh
Đoàn đã được Cô Tám Nguyễn Thị Lựu, Phó Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc Viêt Nam hướng dẫn vào đến tận bờ Bắc sông Bến Hải. Vào lúc này, Mỹ tạm ngưng dội bom miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra. Dưới vĩ tuyến 19 vẫn là vùng bị máy bay Mỹ từ Hạm đội 7 và từ Thái Lan vào bắn phá, dội bom. Vào đến đây đoàn xe của đoàn phải ngụy trang và hành trình được canh theo quy luật dội bom của máy bay Mỹ.
Đại tá Mỹ, Curtis Lemay đã tuyên bố sẽ đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Nhà hát ở Phủ Lý chỉ còn mặt tiền lỗ chỗ vết đạn. Nhà thờ ở Đồng Hới cũng như vậy. Các cầu trên Quốc Lộ 1, kể cả cầu Hàm Rồng là mục tiêu bắn phá, dội bom ngày đêm. Nhưng điều mà Curtis Lemay thất bại là đã không ngăn cản được dòng chi viện cho miền Nam, và càng làm sâu sắc thêm ý chí sắt đá “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để khi đó xây dựng đất nước “hơn mười ngày nay”. Đó là những gì đoàn đã chứng kiến dọc đường Quốc lộ 1 từ Hà Nội vào đến Vĩnh Linh.
Xúc động làm sao khi Cô Tám Lựu dẫn chúng tôi đến bờ bắc sông Bến Hải! Một dòng sông mà 4 đời Tổng thống Mỹ quyết tâm dùng để chia cắt đất nước chúng ta. Địa đạo Vĩnh Mốc nơi sinh sống và chiến đấu của đồng bào xã Vĩnh Mốc, lá cờ Tổ Quốc quyết phải giữ lành lặn phần phật bay vì là niềm tin của đồng bào bờ Nam khi nhìn thấy, loa phát thanh sang bờ Nam quyết phải phát không gián đoạn đưa tin miền Bắc đến với đồng bào miền Nam. Đó là những gì đoàn đã chứng kiến với tất cả sự khâm phục.
Hai năm sau, 1972, tại Hội nghị “Đạo đức của cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam” tổ chức tại London, tôi đã thuật lại những gì mắt thấy tai nghe để các nhà khoa học phương Tây lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Sau Quốc khánh lần thứ 25
Đoàn chúng tôi lên đường trở về địa bàn sinh sống và hoạt động với một niềm tin được nhân lên, với tình thương quê hương, đất nước càng thêm sâu đậm.
Năm năm sau đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Tháng 9/1975, một đoàn đại biểu kiều bào ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản được mời về nước dự Quốc Khánh lần thứ 30, Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất sau 119 năm bị đô hộ và 20 năm bi chia cắt.
Năm 1976, tôi và gia đình về nước nhận công tác. Một cuộc sống mới bắt đầu trong đó gia đình tôi có hân hạnh vừa là khán giả vừa là diễn viên của công cuộc đi lên của Đất nước.
* Tác giả là GS.TSKH, đai biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (1977 - 1994)
Lãnh đạo cấp cao Campuchia gửi thư chúc mừng Quốc khánh 2/9
Ngày 1/9, lãnh đạo Đảng, Quốc hội Campuchia đã gửi thư chúc mừng đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội nhân kỷ niệm 75 năm Quốc ... |
Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, Brunei tổ chức kỷ niệm 75 năm Quốc khánh
Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, Brunei đã có nhiều hoạt động kỉ niêm 75 năm Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2020), với sự tham ... |