Kinh nghiệm lái xe trong thời tiết mưa bão
Hãy tránh những khu vực ngập nước để đảm bảo xe bạn không phải gặp rủi ro do nước ngập vào động cơ. (Ảnh minh họa)
Kiểm tra xe
Để cẩn thận hơn, chủ xe nên kiểm tra hệ thống phanh, đèn và cần gạt nước có hoạt động tốt hay không, lốp có bị mòn quá mức cho phép không. Việc kiểm tra này không nên chỉ khi có mưa mới tiến hành mà nên kiểm tra thường xuyên vì không mất nhiều thời gian, lại tăng cường sự an toàn cho bản thân và chiếc xe của bạn.
Riêng về phần lốp, chủ xe nên lưu ý thay lốp mới sau 40.000 – 50.000 km. Kiểm tra áp suất lốp phải đủ tiêu chuẩn kỹ thuật vì các gai trên bề mặt lốp được thiết kế để thoát nước và đảm bảo độ bám giữa lốp và mặt đường. Khi lốp mòn hoặc áp suất lốp thấp sẽ làm tăng khả năng xuất hiện hiện tượng Hydroplaning (lốp bị nâng khỏi mặt đường), dẫn đến xe dễ bị trượt và mất lái khi đường trơn trượt.
Bạn cũng nên thay miếng gạt nước hoặc cần gạt nước ít nhất 1 lần/năm.
Lái xe
Bạn nên đi chậm hơn so với tốc độ bình thường và tăng khoảng cách với xe phía trước, chú ý quan sát và để xe chạy đều. Không nên tăng tốc hay điều khiển xe cơ động đột ngột vì đường trơn trượt có thể làm trượt bánh mất lái.
Bật đèn pha để quan sát tốt hơn và để các xe khác cũng dễ dàng nhận ra xe bạn hơn, tránh va chạm không đáng có khi tầm nhìn bị hạn chế.
Tránh đi sát xe tải hoặc xe bus để tránh tạt nước vào kính chắn gió.
Đi giữa phần đường của mình để đề phòng rủi ro khi va chạm với xe khác, xe của bạn bị quăng ngang vì phanh gấp. Đây cũng là cách để tránh cho xe của bạn khỏi bị ngập nước vì mặt đường ở giữa thường được thiết kế cao hơn so với hai bên. Nếu ở những đoạn đường có vũng nước lớn, hãy quan sát những phương tiện phía trước làm chuẩn để bám, nhưng nhớ luôn giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe tốt nhất có thể.
Chú ý khi xe đi ngược chiều gần tới, tránh phanh gấp. Khi cần thiết hãy giảm ga hoặc rà nhẹ chân phanh để giảm tốc độ. Luôn nhớ phanh sớm hơn và nhẹ hơn so với bình thường vì độ nhạy của phanh khi đường ướt sẽ kém hơn từ 2 đến 3 lần so với đường khô.
Không dùng phanh tay khi xe bị trượt. Thay vào đó, hãy từ từ nhả chân ga và điều khiển xe đi thẳng cho tới khi xe lấy lại được ổn định, dùng phanh chân đạp nhẹ cho đến khi xe trở lại trạng thái cân bằng.
Nếu thấy ổ gà, vũng nước lớn, hãy cân nhắc nhanh, không đánh bánh lái, ga hay phanh mà giữ vững bánh lái để xe di chuyển thẳng qua. Giữ vô lăng thật chặt để xe nhẹ nhàng di chuyển qua. Tránh tối đa phải đi vào những chỗ đường ngập nước sâu, nước chảy siết.
Di chuyển trong điều kiện đường ngập nước
Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là hãy tránh những khu vực ngập nước càng xa càng tốt. Điều này giúp giảm thiểu những rủi ro cho cả bạn lẫn chiếc xe.
Bất cứ khi nào nhìn thấy đoạn đường đang ngập nước, hãy nghĩ đến việc quay đầu xe và chọn lộ trình khác để đi.
Bạn tuyệt đối không được lái xe qua các vũng nước tù sâu hơn 10cm. Để biết được độ sâu của khu vực đang bị ngập, bạn có thể tự mình bước xuống để xem nước dâng cao đến đâu, hoặc quan sát những người khác đang đi qua đó.
Nếu bạn không còn lựa chọn nào khác và buộc phải đi vào đoạn đường ngập, hãy quan sát những chiếc xe hơi khác và di chuyển thật chậm để thăm dò.
Sau đó, giữ tốc độ vòng xoay động cơ ổn định để tránh nước tràn vào ống xả. Hãy luôn luôn kiên nhẫn, đừng cố gắng đi nhanh qua nơi ngập bởi tốc độ càng cao càng khiến nước dễ tràn vào động cơ.
Khi đi qua khu vực bị ngập, ngay cả những chiếc xe tải 4x4 cũng phải cẩn thận. Các chuyên gia làm việc cho thương hiệu xe Land Rover khuyên tài xế nên đi vào vùng ngập nước với vận tốc thấp từ 1 – 3km/h, sau đó tăng dần lên khoảng 4 – 6km/h.
Tuy nhiên, cách này không hữu hiệu đối với các loại xe 4x4 đời cũ vì nước có xu hướng táp vào trục trước và đi thẳng vào khoang động cơ.
Tránh đi quá nhanh ngay cả khi qua những vũng nước cạn bởi bạn có thể gặp phải tình trạng “aquaplaning” (hiện tượng một lớp nước mỏng chèn vào giữa lốp xe và mặt đường, làm giảm hoặc làm mất hoàn toàn sự tiếp xúc giữa lốp và mặt đường khi xe chạy trên đường ướt) gây mất thắng và nguy hiểm cho người lái. Ngoài ra, bạn cũng sẽ làm văng nước tung tóe vào những người xung quanh.
Khi đã ra khỏi vùng ngập nước, hãy nhấn phanh nhẹ nhàng để làm khô phanh. Nếu trong nước có lá cây, bạn nên kiểm tra xem bộ tản nhiệt của xe có bị nghẽn không.
Ngoài ra, hãy cẩn thận với những chiếc xe chạy ngược chiều vì sóng nước có thể văng vào xe bạn.
Trong trường hợp tồi tệ nhất là xe bị chết máy, đừng mở nắp ca-pô để tránh nước tiếp tục lan vào động cơ. Hãy ra khỏi xe, khoá cửa xe và tìm chỗ khô để đứng rồi gọi cứu hộ
Xử lý sau khi đi đường ngập nước
Nên rà thắng, nhồi thắng vài lần để cho nước thoát ra và khô và cứ thử sau khi thấy thắng có cảm giác thì tăng tốc.
Sử dụng điều hòa để cân bằng nhiệt độ, giúp tránh tụ nước.
Bảo dưỡng xe thường xuyên theo định kỳ.
Trong điều kiện có thể, việc hạn chế di chuyển khi đi ngoài trời mưa bão là tốt nhất. Nếu cảm thấy mưa quá to, điều kiện an toàn trên đường không đảm bảo, lái xe nên tìm một địa điểm nào đó để tránh mưa, đợi ngớt rồi hãy đi tiếp.
Bạn cũng đừng quên, luôn chuẩn bị trong cốp xe những thứ đồ "bất ly thân" cần thiết như kích mini, cờ lê, tuốc nơ vít, kìm cường lực, tay đòn nối để mở ốc la-zăng... Khi cần, chính lái xe cũng có thể xử lý một số trường hợp trong khả năng như thay lốp dự phòng, kiểm tra và châm nước mát, dầu nhớt hay kích nổ xe khi xe hết ắc quy bằng ắc quy xe khác.
Hoàng Hà (t/h)