Kiều bào xa xứ mong đợi một mùa Xuân mới trên quê hương
Nguyễn Thị Thu Hương - Việt kiều tại Newlands (Wellington, New Zealand): Hết COVID-19, Việc đầu tiên tôi làm là cho con về Việt Nam
New Zealand có lẽ là một trong những nước cực kì may mắn vì không khí giáng sinh vừa qua vẫn nguyên vẹn như những năm trước mà không phải lo dịch bệnh. Nhà nhà vẫn mua sắm nhộn nhịp, tiệc tùng vẫn diễn ra, các tiệm nails thì cũng không hạ nhiệt hơn so với mọi năm là mấy! Chỉ có điều bà con đi làm đẹp mà không được đi chơi xa.
Để chuẩn bị đón Tết nguyên đán Tân Sửu, cộng đồng người Việt Nam tại đây cũng đang tiến hành để tổ chức Tết Việt. Tết Việt năm nay sẽ được tổ chức vào ngày chủ nhật 31/1/2021 tại Boulcott’s Farm Golf Club - 33 Military Road, Boulcott, Lower Hutt, Wellington, New Zealand. Đến với chương trình Tết năm nay bà con sẽ có cơ hội: Gặp mặt giao lưu với cộng đồng người Việt; Thưởng thức những bài hát xuân; Tham gia chương trình thi hát Xuân cộng đồng; Các chương trình vui chơi có thưởng… Các cháu nhỏ được tham gia vào những trò chơi dân gian tập thể sôi động. Các cá nhân tham gia đều tự đóng góp, chia sẻ kinh phí.
Nếu như mọi năm, tết đến Xuân về, gia đình tôi thường chuẩn bị cho gia đình mình ở Hải Dương, Việt Nam những đặc sản của New Zealand như: sôcôla, dầu cá, thuốc khớp, mật ong Manuka… có thể về quê ăn tết hoặc gửi bạn bè khi họ về nước. Tuy nhiên, năm nay do COVID-19 không có chuyến bay thường xuyên, có lẽ chúng tôi chỉ có thể gửi lì xì, chúc sức khỏe ông bà qua Facebook.
Cầu mong năm tới, thế giới dẹp được COVID-19 để cuộc sống trở lại bình thường. Chúc cho anh chị em bạn bè một năm mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi và đặc biệt là phải khỏe mạnh. Việc tôi làm khi hết COVID-19 là về thăm cụ, ông bà ở Việt Nam.
Năm 2020, chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật thông tin từ quê nhà bằng mạng xã hội, các trang báo điện tử. Khi nghe miền Trung (Việt Nam) bị lũ lụt, nhóm cộng đồng người Việt tại New Zealand đã chung tay khắc phục thiên tai qua chùa Thiên Thai ở Wellington và liên hệ bạn bè ở miền Trung đi hỗ trợ lũ lụt để đóng góp. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp ủng hộ 15 triệu VND tới người dân Mỹ Trạch, Quảng Bình và gửi 1,000 USD NZD hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng lũ lụt qua chùa Thiên Thai. Mong cho quê hương bớt lũ lụt thiên tai, người dân không đói khổ.
Thái Thịnh
Gia đình nữ ca sĩ Hà Phương và doanh nhân Chính Chu (New York, Mỹ): Tặng quà bà con nghèo ở Việt Nam
Tết âm lịch thể hiện nét đẹp truyền thống, hồn sắc của văn hoá Việt Nam. Các kiều bào xa quê mỗi khi nhớ về quê hướng là nhớ đến ngày Tết sum vầy bên gia đình. Trong khi đó, Tết tây là dịp để những người con an cư lập nghiệp tại nơi đất khách đón những điều tốt đẹp trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Có năm tôi đã đáp chuyến bay về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình, cũng có năm tôi và gia đình đón Tết tại Mỹ.
Dù định cư ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất nhưng gia đình tôi vẫn muốn đón Tết du xuân đúng theo phong tục cổ truyền. Khi đó, gia đình tôi mua hoa, bánh mứt cúng ông bà, nấu những món ăn Tết, đi chùa, lì xì con cháu, chơi lô tô, đánh bài giống hệt như bao người ở Việt Nam. Giữ lại những nét đẹp truyền thống là cách tôi ôn lại kỉ niệm tuổi thơ, vừa thông qua đó dạy 2 cô con gái Diana và Angelina về phong tục đón năm mới ở Việt Nam.
Năm nay tình hình dịch bệnh nên tôi không về ăn Tết Việt Nam. Tôi dự định nhờ mẹ gửi tặng những món quà nhỏ giúp bà con nghèo ở quê hương đón Tết.
Mùa dịch nên lễ hội, viếng chùa của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ sẽ không được tổ chức. Vì thế có lẽ gia đình tôi cũng gói tặng những món quà gửi tới những gia đình Việt Nam ở New York gặp khó khăn.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (Toronto, Canada): Hy vọng Việt Nam tiếp tục phòng, chống tốt đại dịch COVID-19
Tết là niềm vui cho mọi người Việt, dù ở trong nước hay ở nước ngoài ai cũng hướng về ngày tết của dân tộc. Tôi định cư ở Canada hơn 30 năm và hầu như năm nào tôi cũng về Việt Nam ăn Tết với gia đình và người thân. Năm nay tôi ăn Tết tại Việt Nam với một nửa gia đình của tôi, còn một nửa các con tôi đang sống tại nước ngoài không có điều kiện về. Về quê ăn Tết điều mà tôi cảm nhận là thực sự không khí đón xuân vẫn còn đậm đặc trên quê hương. Được gói và luộc bánh chưng, được đi chúc Tết những người cao tuổi và bà con lối xóm cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn, no đủ và nhà cửa đường xóm sạch sẽ khang trang hơn.
Tết năm nay cũng là Tết khó khăn với bà con Việt Kiều. Thu nhập cá nhân, gia đình giảm, lương thực thực phẩm lên giá. Nhưng cũng may mắn cho gần 100 triệu dân Việt đang sống trong nước, an toàn hơn, vui vẻ hơn, không ai bị đói vì Chính phủ quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới theo lịch âm. Năm Tân Sửu, hy vọng Việt Nam phòng chống tốt đại dịch COVID-19. Tận dụng các hiệp định thương mại song phương và đa phương để tăng trưởng nhanh các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như nông, ngư nghiệp. Hy vọng kinh tế sẽ hồi phục trong sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng 4.5%-5%. Cầu mong cho quốc thái dân an và mọi điều tốt đẹp đến với tôi và tất cả người dân Việt Nam đang sống trong nước cũng như bà con kiều bào đang sống trên khắp thế giới.
Ngô Phẩm Trân - Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục Đài - Việt (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc): Cố gắng giữ tập tục cổ truyền của Việt Nam
Tết bên Đài Loan chúng tôi cố gắng giữ đúng tập tục cổ truyền của Việt Nam. Làm mâm ngũ quả, gói bánh chưng, bánh tét hay tất cả các loại mứt. Đêm giao thừa thức đến 12 giờ để cúng ông bà tổ tiên. Mùng 1 là đưa gia đình đi viếng chùa, sau đó về nhà ăn uống, các con cháu quây quần chụp hình, chúc tết, lì xì… Đó là những ngày vui nhất của gia đình tôi, là dịp để sum vầy có đầy đủ tất cả người thân, bạn bè; là dịp để bày tỏ nhiều hơn tình yêu thương gắn kết bên nhau dẫu sống xa Việt Nam. Tôi muốn thế hệ các con cháu mình dù sinh tại Đài Loan phải luôn hiểu và nhớ về nguồn cội. Mình là người Việt Nam và dù mình ở nơi nào, đi đâu nơi nào nhưng mình vẫn là người Việt Nam, văn hóa, phong tục của Việt Nam rất hay nên mình vẫn muốn giữ một cái gì đó của người con đất Việt.
Theo kế hoạch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt, Hội Liên hiệp nữ doanh nhân Việt Nam tại Đài Loan có dự định tổ chức phiên chợ Tết Việt cho những Kiều bào không thể về quê ăn Tết. Tuy nhiên, vì tình hình dịch COVID-19 tại Đài Loan đang diễn biến phức tạp, đã có những ca nhiễm cộng đồng, hạn chế hoạt động đông người. Vì vậy chương trình phiên chợ Tết Việt của Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt, Hội Liên hiệp nữ doanh nhân Việt Nam tại Đài Loan đã bị hoãn. Tuy nhiên, ở một số khu vực chị em phụ nữ Việt kiều có hoạt động nhỏ. Cùng nhau làm bánh mứt, chia sẻ về một năm qua, đoàn kết, động viên nhau vượt qua khó khăn, vượt qua COVID-19.
Sang năm mới, mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là cộng đồng người Việt tại Đài Loan ngày càng lớn mạnh hơn nữa. Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Đài Loan vẫn còn nhỏ và sống rải rác nhiều nơi. Tôi mong muốn mỗi năm, nhà nước đưa những Giáo sư, Tiến sĩ, những người có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam đến Đài Loan truyền tải lại những thông tin hướng về nguồn cội để mọi người hiểu được, tăng sự đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng với nhau. Ngoài ra, nhân tài có vai trò quan trọng trong sự phát triển của một đất nước. Hơn 200.000 cô dâu Việt Nam bên Đài Loan với mỗi cô dâu có 2 em bé tương lai sẽ có khoảng 400.000 nhân tài. Tôi muốn làm thêm nhiều việc để thu hút nguồn nhân tài này hướng về Việt Nam.
"Tôi mong muốn mỗi năm nhà nước đưa những Giáo sư, Tiến sĩ, những người có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam đến Đài Loan truyền tải lại những thông tin hướng về nguồn cội để mọi người hiểu được, tăng sự đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng với nhau".
Khoảng 300 kiều bào hồi hương sẽ tham gia họp mặt mừng xuân Tân Sửu 2021 tại TP.HCM UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch về tổ chức họp mặt kiều bào mừng Xuân Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn TP.HCM. |
Kiều bào gửi gắm niềm tin, kỳ vọng tới Đại hội XIII của Đảng Hòa chung tình cảm, niềm tin hướng về thành công của Đại hội XIII của Đảng, kiều bào ta ở nước ngoài khẳng định lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. |