Kích cầu nội địa bằng mô hình du lịch nông nghiệp
Tại talkshow “Du lịch nông nghiệp - sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh Hà Tĩnh” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến đều đồng quan điểm tỉnh Hà Tĩnh nên chuyển đổi và mở rộng thêm mô hình du lịch nông nghiệp để phát triển kinh tế của tỉnh và tạo ra môi trường kết nối hợp tác với các nhà đầu tư.
Theo ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, Phó Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đang nắm giữ nhiều tiềm năng về các điểm du lịch sinh thái, hệ thống giao thông hạ tầng, các chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn, thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch.
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP và trải nghiệm đặc trưng cho du khách, tạo điều kiện cho người dân đi học làm du lịch, đưa ra các chính sách hỗ trợ, quy hoạch các tour - tuyến - điểm du lịch trên địa bàn huyện để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh, hiện địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong việc khai thác, đầu tư và chính sách bởi do cơ chế vẫn chưa rõ ràng.
Chia sẻ về mô hình thực tế tại sự kiện, ông Trần Đình Tú, Chủ tịch Công ty Làng Sinh Thái Việt Nam đã đề xuất hai mô hình khả thi cho các hộ dân đầu tư tại nông thôn là homestay và farmstay. Đồng thời, theo ông Tú dù mang tiềm năng du lịch lớn, có sẵn nguồn khách nhưng du lịch tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa tạo ra được trải nghiệm độc đáo để thu thêm nguồn lợi từ du khách.
Không riêng gì Hà Tĩnh, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã và đang có những chính sách kích cầu thông qua du lịch, trong đó chuyển đổi, làm mới và đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch đang được chú trọng. Mô hình du lịch nông nghiệp nằm trong số đó.
Phát triển du lịch xanh - bền vững đang là mục tiêu mà du lịch Việt Nam hướng tới, trong đó du lịch nông nghiệp cũng là hình thức thú vị góp phần phát huy lợi thế vốn có cũng như thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn (Ảnh minh hoạ). |
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Du lịch nông nghiệp, du lịch nông nghiệp - nông thôn được đẩy mạnh sẽ giúp đưa nông sản, không gian và bản sắc văn hóa nông thôn trở thành tài nguyên du lịch.
Khác biệt lớn nhất là du lịch nông nghiệp gắn chặt với văn hóa bản địa, trong khi các loại hình du lịch khác như nghỉ dưỡng biển chẳng hạn - đang bị module hóa, thiếu tính độc đáo, riêng biệt. Một khách sạn 5 sao ở Việt Nam, hay ở Mỹ, Singapore, Hàn Quốc nếu cùng một thương hiệu thì cơ bản là giống nhau.
Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch thì đòi hỏi cần phải có yếu tố bản sắc văn hóa, và nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế có bản sắc. Nông thôn là nơi lưu giữ một cách trọn vẹn đời sống tinh thần, văn hoá dân tộc, cũng như những giá trị tinh thần cốt lõi.