Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Mỹ muốn giữ Hy Lạp ở lại Eurozone
Suốt hai ngày cuối tuần qua, người dân Hy Lạp đã đổ xô đi rút tiền do lo ngại ngân hàng sẽ không mở cửa trong ngày thứ Hai. Dù vậy, theo một quan chức ngành ngân hàng Hy Lạp, chỉ có khoảng 40% số máy ATM tại nước này còn tiền. Nhiều du khách nước ngoài cũng “phát hoảng” khi không thể rút tiền mặt chi tiêu do các máy ATM hết tiền.
Nhiều máy ATM đã không thể rút được tiền. (Ảnh: AFP)
Hy Lạp tạm thời đóng cửa toàn bộ các ngân hàng, hạn chế rút tiền sau khi ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khẳng định sẽ không tăng hạn mức cứu trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, vốn đã được sử dụng hết. Để trấn an người dân, Thủ tướng Tsipras khẳng định tiền gửi tại ngân hàng của người gửi tiền vẫn an toàn, các khoản lương và trợ cấp cũng được đảm bảo.
Hy Lạp ở lại eurozone ?
Cuối tuần qua, các quan chức hàng đầu của Mỹ đã thể hiện nỗ lực giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp, kêu gọi châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đến với một thỏa thuận nhằm giữ Hy Lạp trụ lại khu vực đồng euro.
Vào thứ bảy, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã hội đàm với các bộ trưởng tài chính của Đức, Pháp, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew kêu gọi “tìm một giải pháp bền vững có thể đưa Hy Lạp hướng tới các cải cách và phục hồi trong chính Eurozone”, thông tin theo một tuyên bố của Bộ Tài chính hôm chủ nhật.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew tại một bữa tiệc của Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung (S & ED) ở Washington ngày 23/6/2015. (Ảnh: Skydoor)
Ông Lew, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew nhấn mạnh sự cần thiết của việc Hy Lạp chấp nhận “các biện pháp khó khăn để đạt được thỏa thuận với các chủ nợ của mình”.
Phát ngôn viên Kho bạc cũng cho biết đã kêu gọi Hy Lạp trao đổi kỹ càng hơn với các đối tác quốc tế về một kế hoạch kiểm soát vốn và cho các ngân hàng “nghỉ ngơi”.
Chủ nhật, Tổng thống Barack Obama đã có cuộc trò chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel về tình hình của Hy Lạp: “Hai nhà lãnh đạo nhất trí việc lập kế hoạch giải cứu và kiểm soát vốn là cực kỳ quan trọng cho những nỗ lực trở về đúng con đường mà từ đó sẽ cho phép Hy Lạp tiếp tục cải cách và phát triển trong khu vực đồng tiền chung châu Âu”, phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết.
Dự kiến cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra ngày 5/7 tới. Đây là động thái mạnh mẽ nhất của chính phủ Hy Lạp khi đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ kéo dài trong suốt 5 năm vừa qua.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Ảnh: ANTT)
Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Tsipras luôn từ chối nhượng bộ các điều kiện của chủ nợ, đồng thời cáo buộc các chủ nợ đã kéo dài những biện pháp trừng phạt khắc khổ đối với Hy Lạp.
Chính quan điểm, cũng như đường lối của ông Tsipras đang đưa đất nước Hy Lạp tới bờ vực của việc buộc phải tiến hành kiểm soát vốn và khả năng rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Cuộc trưng cầu dân ý này cũng có khả năng chính là câu trả lời thích đáng nhất cho câu hỏi, người dân Hy Lạp có còn muốn nằm trong Liên minh châu Âu hay không.
Đây có thể nói là động thái đáng ngạc nhiên của ông Tsipras, bởi trong thứ Bảy ( 27/6), Phó Thủ tướng Hy Lạp Yannis Dragasakis và Thứ trưởng Ngoại giao Euclid Tsakalotos cùng nhà lãnh đạo cấp cao các nước EU sẽ tiếp tục nhóm họp nhằm tìm cách đạt được thỏa thuận cuối cùng, mở khóa gói cứu trợ 15,5 tỷ euro (17,3 tỷ USD) dành cho Hy Lạp, đồng thời ra hạn đối với chương trình cứu trợ hiện tại tới tháng 11. Đổi lại, Hy Lạp phải cam kết cắt giảm quỹ lương hưu và đánh thuế cao hơn vào các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Trịnh Gấm
Tổng hợp