Không quân Nga đang 'hành' phi đội F-22 của Mỹ ở Alaska?
Máy bay chiến đấu có khả năng nhất của Không quân Mỹ trong không chiến, F-22 Raptor, đã được triển khai tập trung cao độ tới Alaska, cụ thể là 1/7 tổng số F-22 của Không quân Mỹ đóng tại Căn cứ Elmendorf-Richardson ở bang cực bắc của đất nước. Lý do là vùng đất này rất gần với Nga, khiến các căn cứ ở Alaska ở tuyến đầu trong bất kỳ cuộc đụng độ tiềm năng nào giữa hai cường quốc và trong một chiến trường mà Mỹ sẽ có tương đối ít sự hỗ trợ của NATO.
Trong khi F-22 được coi là một máy bay chiến đấu ưu tú, và số lượng tương đối ít với chỉ 187 chiếc được sản xuất, các yêu cầu bảo trì rất cao và chi phí vận hành của máy bay khiến chúng chỉ đảm bảo duy trì tỷ lệ sẵn sàng trên 50%. Trong khi đó, giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga, các hoạt động của Không quân Nga gần Alaska dường như nhằm tối đa hóa sự căng thẳng cho phi đội F-22 Raptor với chi phí tương đối thấp cho phía Nga - một vấn đề mà các sĩ quan Mỹ gần đây đã phải lên tiếng phàn nàn.
F-22 “hỏi thăm” Tu-95 trên bầu trời Alaska. Nguồn: Internet |
Một chiếc F-22 Raptor của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ chặn một máy bay ném bom Tu-95 Bear của Nga trong không phận quốc tế gần Alaska vào ngày 19 tháng 10 năm 2020. NORAD nói tiêm kích F-22 đã bay lên theo dõi hai chiếc Tu-95 và một cặp tiêm kích Nga, nhưng các máy bay này không đi vào không phận của Mỹ hoặc Canada.
Phát biểu từ Căn cứ Elmendorf-Richardson, Trung tướng không quân Mỹ David Krumm nói rằng đã có sự gia tăng đáng kể hoạt động của Nga gần Alaska, với các cuộc xâm nhập của Nga vào vùng nhận dạng phòng không Alaska được tiến hành với nhịp độ cao nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Ông nhấn mạnh rằng, việc vận hành các máy bay F-22 để đánh chặn máy bay Nga là rất tốn kém và rằng có "sự căng thẳng đối với các đơn vị của chúng tôi" do các hoạt động của Nga.
Bộ Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ cũng báo cáo rằng không chỉ các cuộc xâm nhập của Nga ngày càng gia tăng, mà các máy bay Nga còn lượn lờ trong khu vực nhận dạng hàng giờ liền.
Được biết, vì vùng nhận dạng phòng không Alaska là không phận quốc tế, máy bay Nga có thể duy trì sự hiện diện liên tục trong đó một cách hợp pháp - nhưng Mỹ cần phải đánh chặn những máy bay như vậy và việc phụ thuộc vào F-22 để làm điều đó đã ngốn chi phí đáng kể. Ngược lại, các máy bay Nga như máy bay ném bom Tu-95 có chi phí hoạt động thấp, lý tưởng để bay trong thời gian dài và không thể bỏ qua do chúng có khả năng triển tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân với số lượng đáng kể. Chi phí để đảm bảo những chiếc F-22 bay trong thời gian dài như vậy cao hơn rất nhiều.