Khoảng trống về nghề Công tác xã hội tại KCN-KCX
PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Công tác xã hội với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Chương trình do Trường Đại học Công đoàn phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Unicef và Cục Bảo trợ xã hội tổ chức sáng 13/1 tại Hà Nội.
Khoảng trống về CTXH tại các KCN-KCX
Chia sẻ những đánh giá về thực trạng phát triển nghề Công tác xã hội (CTXH), PGS.TS Lê Mạnh Hùng cho rằng, từ nhiều năm qua, CTXH đã được nhà nước công nhận là một nghề có vai trò quan trọng, trực tiếp giải quyết được những vấn nạn xã hội, giảm bất bình đẳng và mâu thuẫn trong xã hội.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu (Ảnh: L.D). |
Tuy nhiên, sự thiếu vắng các dịch vụ của nghề CTXH vẫn còn ở nhiều lĩnh vực. PGS, TS Lê Mạnh Hùng đơn cử: “Tại các KCN - KCX luôn tồn tại các xung đột gia đình hay quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, xung đột trong môi trường làm việc, những vấn đề nhà ở, giáo dục con em người lao động cũng gây ra những vấn đề tiêu cực đối với người lao động”.
Đồng quan điểm trên, TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, cả nước có khoảng 563 KCN 61/63 tỉnh thành thu hút hàng triệu lao động. Nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ CTXH của người lao động trong cả nước nói chung và tại các KCN - KCX nói riêng khá cao, nhằm qua đó giảm các áp lực lên đời sống và tinh thần.
TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) chia sẻ những kết quả khảo sát (Ảnh: L.D). |
Dẫn chứng qua một số khảo sát do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện cuối năm 2022, TS Nhạc Phan Linh cho biết: “Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,7 triệu đồng/người. Con số này chỉ đáp ứng 84% mức chi tiêu của một hộ gia đình; 60% công nhân KCN chưa được hỗ trợ về nhà ở, các dự án nhà ở xã hội; ký túc xá công nhân mới chỉ đáp ứng khoảng 39% nhu cầu; khoảng 41% lao động được đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm”.
“Sự thiếu vắng các dịch vụ của nghề CTXH tại các KCN-KCX còn phản ánh một khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu được nêu trong Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề CTXH ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030, đặc biệt hoàn thiện các vị trí việc làm và đảm bảo nâng cao kiến thức cho 60.000 cán bộ làm Công tác xã hội”, PGS, TS Lê Mạnh Hùng đánh giá. |
Cũng theo TS Nhạc Phan Linh, độ tuổi kết hôn trung bình của người Việt đang tăng đều: Năm 1989 là 24,4 tuổi; năm 2020 là 27,9 tuổi. Các lý do chính là điều kiện kinh tế khó khăn, thời giờ làm việc, tăng ca nhiều…
Thực trạng này đòi hỏi CTXH cần được xuất hiện với tư cách là một nghề chuyên môn tại trong các KCN-KCX nhằm qua đó vận dụng những kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động vượt qua khó khăn, phòng ngừa những biến cố đã, đang và có thể xảy ra.
Nhân viên CTXH tại KCN-KCX: Bạn đồng hành
Cùng trăn trở trước thực trạng trên, nhóm tác giả gồm tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu và tiến sĩ Trương Thị Tâm (Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam) cho rằng cần có những giải pháp có tính khả thi áp dụng trong thực tế. Trước hết là hướng tới người lao động di cư có con nhỏ và đang làm việc tại các KCN-KCX tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong và ngoài nước (Ảnh:L.D). |
Theo đó, nhóm nghiên cứu đưa ra các kiến nghị như: Nhà nước hoặc KCN cần có nhà ở cho người lao động thuê; cung cấp đầy đủ/đúng kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ di cư; hỗ trợ dinh dưỡng cho phụ nữ có thai/ phụ nữ di cư; hỗ trợ mua BHYT cho trẻ em từ 6 đến dưới 18 tuổi là con công nhân di cư; các cơ sở giáo dục mầm non công lập cần linh hoạt hơn về thời gian trông giữ trẻ.
Còn theo PGS, TS Nguyễn Đức Hữu (Khoa CTXH, Đại học Công Đoàn), doanh nghiệp cần ý thức được tầm quan trọng và tính tất yếu của nhân viên xã hội như là một “người đồng hành”, qua đó giúp đỡ người lao động và quản lý doanh nghiệp khắc phục vấn đề nội tại nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Cũng theo PGS,TS Nguyễn Đức Hữu, nhân viên CTXH tại các KCN-KCX cũng cần được xác định rõ với vai trò cụ thể trong việc hỗ trợ người lao động giải quyết các vấn đề căng thẳng, sức khỏe tâm thần, nghiện ngập và vai trò chăm sóc tại nhà; thực hiện các chương trình quản lý sức khỏe và căng thẳng. Nhân viên CTXH có thể thay mặt nhân viên trong công ty vận động về các vấn đề cá nhân, cân bằng giữa công việc và cuộc sống hoặc những mối lo ngại như cắt giảm việc làm.
GS, BS Ladson Hinton (Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi Đồng Giám đốc, Viện Chăm sóc Sức khỏe Gia đình, Trường Điều dưỡng Betty Irene Moore, Đại học California, Hoa Kỳ) (Ảnh:L.D). |
Đưa ra những đánh giá dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu, GS, BS Ladson Hinton (Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi Đồng Giám đốc, Viện Chăm sóc Sức khỏe Gia đình, Trường Điều dưỡng Betty Irene Moore, Đại học California, Hoa Kỳ) cho rằng, những sức ép trong cuộc sống có thể gây nên những vấn đề về sức khỏe tâm thần nơi làm việc đối với người lao động tại các KCN-KCX, trong đó có căn bệnh trầm cảm.
GS, BS Ladson Hinton khuyến nghị tới các nhà quản lý doanh nghiệp về những phương pháp thúc đẩy sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, như: Xác định dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe tâm thần của người lao động, đào tạo giáo dục sức khỏe tâm thần và can thiệp.
GS, BS Ladson Hinton cũng nêu lên vai trò không thể thiếu của nhân viên CTXH tại các KCN-KCX trong việc phát hiện sớm, cung cấp các phương pháp điều trị không thuốc, giao tiếp với nhân viên y tế, xác định nguồn lực xã hội và kết nối với gia đình người lao động… |
Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành công tác xã hội Những năm gần đây, ngành công tác xã hội đã trở thành một ngành nghề có vị trí quan trọng và được chú ý nhiều trong xã hội cũng như nền kinh tế. Chính vì thế, tương lai phát triển và triển vọng cơ hội việc làm cho sinh viên ngành công tác xã hội được đánh giá khá cao. |
Công tác xã hội góp phần quan trọng trong ứng phó dịch bệnh Covid-19 Công tác xã hội đã góp phần giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cần thiết trong quá trình ứng phó và phục hồi sau đại dịch. |