Khát vọng vươn xa của xã bãi ngang ven biển Cà Mau
Cà Mau: Sôi nổi, hấp dẫn giải đua vỏ lãi Composite
Sáng 27/4, tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) giải đua vỏ Composite đã diễn ra với hơn 100 vận đông viên của 14 đội đến 5 tỉnh trong khu vực ĐBSCL tham dự.
|
Cà Mau: Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5% trong những tháng đầu năm
Trong 3 tháng đầu năm 2021, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu đạt 180,8 triệu USD, tăng 13,5% so cùng kỳ.
|
Cà Mau: Tưng bừng Lễ hội truyền thống Nghinh Ông Sông Đốc
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức vào ngày 14 - 15/2 (âm lịch) hàng năm nhằm tôn vinh loài cá Voi (cá Ông), cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi đánh bắt trúng mùa; vừa được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
|
Khơi thông những điểm nghẽn
Cách đây ngót chục năm, khi vừa chân ướt chân ráo vào nghề báo, chúng tôi đến Nguyễn Việt Khái trong chuyến công tác nhiều... ám ảnh. Ở đây có những cửa biển khá nổi tiếng là Gò Công và Sào Lưới, với sự trù phú về nguồn lợi thuỷ hải sản. Cuộc sống của cư dân không quá chật vật, tuy nhiên, tổng thể lại toát lên không khí của sự bấp bênh, tạm bợ. Những làng cá ven sông, ven biển con người quần tụ, nhưng nhà cửa thì lụp xụp. Cá tôm nhiều, nhưng chỉ là sinh kế đắp đổi qua ngày, theo mùa vụ.
Nguyễn Việt Khái lâu nay nổi tiếng ngang hông với địa danh “xóm đảo”, một xóm chài lưới nằm ở cửa Sào Lưới, sát biển Tây. Thật ra, phải nói cho rõ về tình trạng cuộc sống của bà con nơi đây. Thu nhập của người dân từ nguồn lợi ven biển không hề thấp, nếu không nói là đáng mơ ước so với mặt bằng chung. Thế nhưng, điều kiện sống cơ bản quá tạm bợ. Người sống thì chơ vơ với những căn nhà cất vội, thiếu điện, đường, trường, trạm. Người chết thì đành gởi thân quanh những vạt rừng phòng hộ. Rồi với diễn biến thời tiết ngày càng khốc liệt, người dân phải dọn nhà chạy sạt lở, chạy nước biển dâng. Có những trận cuồng phong, người dân xóm đảo chỉ kịp giữ mạng, sau đó quay lại gom góp xác nhà.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái Lê Văn Bắc chia sẻ: “Xóm đảo giờ vẫn còn một số hộ dân bám trụ vì sinh kế. Cái bà con sợ nhất là khi di dời tái định cư thì bị triệt tiêu thu nhập từ nghề biển. Nhưng bà con cũng sợ lắm rồi, mấy mùa mưa bão gần đây, nước biển dâng lên ghê lắm. Thêm nữa, với cách đánh bắt thô sơ, nguồn lợi thiên nhiên dần cạn kiệt”. Ðịa phương đang tính toán để kêu gọi bà con về khu tái định cư phía trong an toàn hơn, nhưng tái định cư không đơn giản là căn nhà, mà còn phải tính đến chuyện làm ăn của người dân.
Trong câu chuyện, ông Bắc chỉ ra những điểm nghẽn lớn nhất của xã Nguyễn Việt Khái hiện tại: “Dù còn khó khăn, xã hiện đạt 12/19 tiêu chí xây dựng NTM. Các tiêu chí còn lại đều cần nguồn vốn đầu tư lớn. Nếu có sự đầu tư đúng, trúng, trọng tâm, Nguyễn Việt Khái tự tin về đích NTM như kế hoạch đề ra trong năm 2022”.
Nguyễn Việt Khái đang khát vốn để hoàn thiện hạ tầng nông thôn, đầu tư cơ sở vật chất văn hoá, sắp xếp, bố trí lại dân cư để có thể hình thành nếp sống văn minh của NTM.
Những điểm nhấn tích cực
Cái khó nhất trong xây dựng NTM và cũng là mục tiêu cao nhất của chương trình mục tiêu quốc gia này là giảm nghèo, là nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân, thì Nguyễn Việt Khái đang làm rất tốt. Từ tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 16% vào năm 2015, đến nay còn ở mức 2,07%. Chỉ trong 1 nhiệm kỳ, giảm 14% hộ nghèo không phải là chuyện dễ, nếu không gọi đó là kỳ tích. Chủ trương 1 đảng viên giúp 1 hộ thoát nghèo theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề 02 của Huyện uỷ Phú Tân đã phát huy tối đa tính ưu việt. Ông Bắc tiết lộ, không phải “1 kèm 1 đâu”, có đảng viên của xã giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Thuận lợi nữa của Nguyễn Việt Khái là nguồn lực từ chương trình xã bãi ngang ven biển. Trân trọng từng đồng tiền, địa phương dồn sức để giúp người dân thoát khỏi cái nghèo, coi đó là ưu tiên cao nhất. Với cách làm bài bản, trách nhiệm, địa phương không có tình trạng tái nghèo, một bộ phận trong đó còn vươn lên khá, giàu. Lãnh đạo xã tính toán tương lai từ những điều địa phương có gắn chặt với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ngoài thế mạnh đánh bắt, nuôi thuỷ hải sản, địa phương đang dần tạo ra những mô hình đa cây, con, hướng người dân đến nhiều lựa chọn.
Nhiều người biết đến “ốc đảo xanh giữa bốn bề nước mặn” của bà Phạm Hồng Mải, ở ấp Tân Quảng Tây. Với mô hình trồng cây ăn trái gồm: ổi, bưởi, mít, xoài, tiếng thơm của các loại sản vật này đã vang xa khắp Phú Tân và cả tỉnh Cà Mau. Thương chồng bà Mải, cũng vì mải mê lao động mà bị tai nạn, nằm xuống trên chính mảnh vườn đã tới kỳ đơm bông, kết trái.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Việt Khái Huỳnh Hiếu Trường cho biết: “Mô hình chính là cái người nông dân cần nhất”. Với tâm huyết của người con quê hương, ông Trường cho rằng, xây mô hình đã khó, còn cái “bí” nhất là nhân rộng. Với bà con, không chỉ đưa vốn, hô hào lập mô hình, chỉ dẫn qua loa cách làm mà có hiệu quả ngay được. Bà con phải thấy, phải tin, phải có người làm thật sự thành công, khi đó hãy nói đến nhân rộng.
Vậy là ông Trường dẫn chúng tôi về... nhà. Thì ra phía sau nhà ông là trang trại nuôi chồn hương, cho thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng/năm. Ông Trường nói về mô hình của mình say mê, nhiều hiểu biết cặn kẽ và kết luận: “Làm phải tính, phải học, phải đam mê. Mình là Chủ tịch Hội Nông dân, phải làm được để bà con thấy, bà con tin chớ”. Từ ông Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã, hàng chục hộ đã học theo, làm theo và đều cho kết quả mỹ mãn. Ông bà nói cấm có sai “trăm nghe không bằng một thấy”. Cà Mau có 101 xã, phường, nếu cần nhân rộng một mô hình, thì hãy nhân rộng cách nghĩ, cách làm của những người có khả năng lan toả niềm tin, khát vọng như ông Trường.
|
Mô hình nuôi chồn hương thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm của Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Việt Khái Huỳnh Hiếu Trường. |
Len lỏi trên con đường đất đê biển Tây, tìm về nhà anh Nguyễn Văn Ðối, ấp Tân Quảng A. Thật cảm phục tinh thần lập thân, lập nghiệp của thanh niên trẻ này. Chỉ có nền nhà ven đê, vài công đất gia đình cho mượn, anh Ðối làm đủ nghề từ đặt lú dưới sông đến bắt ba khía. Ông Trường chia sẻ: “Thanh niên ở quê đi làm ăn xa nhiều, gặp dịch bệnh thì về nằm dài chờ thời. Như cháu Ðối, tôi thấy yên tâm hơn, cháu bám đất, bám quê, chí thú làm ăn mà cuộc sống ổn định”. Niềm vui như nhân lên khi gia đình anh Ðối nhận 11 con dê từ nguồn vốn hỗ trợ. Anh khoe: “Sau hơn 5 tháng, 1 con dê cái đã sinh con”.
Với anh Nguyễn Văn Ðối (ấp Tân Quảng A), lập thân, lập nghiệp trên quê hương là lựa chọn phù hợp nhất. |
Dù còn khó khăn, nhưng cách mà anh Ðối chăm sóc đàn dê cho chúng tôi cảm giác yên tâm rằng, thanh niên trẻ này sẽ có thành tựu vững chắc trong tương lai lập thân, lập nghiệp. Và, điều hôm nay chúng tôi cảm nhận được, xã Nguyễn Việt Khái đang vươn mình, vươn lên bằng đầy đủ tâm thế chủ động, trách nhiệm, sáng tạo và bằng những con người thật, việc thật đầy thuyết phục. Nguyễn Việt Khái đang đi đúng hướng, nói như lời Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang, sớm thôi sẽ là xã bãi ngang ven biển đẹp giàu./.