Khát khao trở lại trường học của những em nhỏ "lênh đênh"
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp ghé qua "xóm phao" ở bãi giữa sông Hồng (thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Đây là nơi ở của 30 hộ gia đình với gần 100 nhân khẩu, từ khắp các tỉnh, thành khác đổ về.
Cuộc sống của những người dân nơi đây gần như tách biệt hoàn toàn với phố thị, họ mưu sinh bằng nhiều nghề như nhặt ve chai, rửa bát thuê, bốc vác,...
Những ngôi nhà chắp vá nổi trên sông tại "xóm phao" thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Tào Đạt |
Dù khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng cho các con đi học như bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em nhỏ tại đây phải học online với điều kiện thiếu đủ loại trang thiết bị nên hành trình theo đuổi 'con chữ' rất gian nan.
Món quà bất ngờ
Gia đình chị Bùi Thị Thu Trang (27 tuổi) và anh Nguyễn Hùng Cường (34 tuổi, quê gốc Bắc Ninh), có hai con hiện đang học lớp 3 và lớp 4. Do điều kiện kinh tế khó khăn, suốt 10 năm qua hai vợ chồng anh chị vẫn tá túc trong căn nhà nổi ven sông Hồng. Dịch bệnh kéo dài, cả hai vợ chồng anh chị đều mất việc và chưa tìm được công việc thay thế.
Ngồi kèm con học online chị Trang nói, "Hai con nhỏ đã bước vào năm học mới nhưng cả nhà chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại. Vì vậy, chị đành phải gửi một người con lớp 4 sang nhà họ hàng học, còn cu cậu lớp 3 thì ở nhà chị kèm".
Ngồi kế bên mẹ, em Tùng Linh (hiện đang là học sinh lớp 4" tâm sự: “Những ngày không có điện thoại để vào học cùng các bạn, mẹ đều là người dạy em. Thời gian đó, những bài nào có thể làm em đều tự đem ra để tự học”.
Tùng Linh lo lắng, nếu không có thiết bị học hay không được đến trường học trực tiếp như trước thì em sợ sẽ không thể theo kịp các bạn.
Em Tùng Linh (bên trái) đang học trực tuyến bằng món quà của một người bạn không quen. Ảnh: Tào Đạt |
Tuy nhiên mới đây, điều ước được vào lớp cùng bạn của Tùng Linh đã thành hiện thực khi em được mạnh thường quân gửi tặng một chiếc điện thoại để phục vụ học tập online tại nhà.
Chiếc điện thoại đối với nhiều người có thể không lớn, nhưng với Tùng Linh, nó là thứ tài sản quý giá nhất của em trong thời điểm “con chữ” tưởng chừng cách xa trong những ngày đầu năm học.
Cầm trên tay chiếc điện thoại trên tay, ánh mắt Tùng Linh rạng rỡ: “Nhận được món quà từ bạn Hải Anh ở Bắc Ninh em rất vui và xúc động. Thế là từ nay em có điện thoại học online cùng các bạn rồi. Em hứa sẽ cố gắng chăm ngoan và học thật giỏi”.
Nhận được điện thoại, cậu học sinh lớp 4 viết thư cảm ơn "người bạn không quen" đã giúp đỡ mình. Ảnh: MNMQT |
Tùng Linh muốn được gặp người bạn không quen đã giúp đỡ gia đình mình trong thời điểm khó khăn này. Cậu học trò cũng chia sẻ với phóng viên mong ước có thể sớm quay lại trường học với các bạn.
Khát khao trở lại trường học
Không chỉ riêng Tùng Linh, nhiều em nhỏ khi được hỏi cũng bày tỏ khao khát được đến trường, phần vì các em học ở nhà không thể hiểu hết được bài giảng của thầy cô, phần khác vì không được vui chơi với các bạn cùng trang lứa.
Em Đỗ Thị Nga (lớp 8, trường THCS Phúc Xá, Ba Đình) chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường cho chúng em học online, nhưng mạng ở đây kém, thiết bị cũng không có đủ nên việc học thường xuyên bị gián đoạn giữa chừng. Nhiều hôm, em phải đợi em gái học xong thì mới có máy để học, hôm nào mượn được điện thoại của nhà hàng xóm thì em học cùng giờ với các bạn trong lớp luôn, cô giáo cũng không phải giảng bài lại cho em nữa".
“Trong quá trình học mạng yếu liên tục và không tiếp thu được mấy kiến thức nhưng được học vẫn hơn. Em chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để em được đến trường đi học bình thường như trước”, em Nga nói.
Ngồi cạnh chị, em Đỗ Thị Trang tiếp lời: “Năm nay em lên lớp 1, nhưng chưa được đến trường lần nào, chỉ gặp các bạn và cô giáo qua màn hình điện thoại thôi. Hôm nào học online, mẹ cũng phải ngồi kế bên chỉ cho em học”.
Em Trang (bên trái) vui chơi tại nhà sau giờ học. |
Phóng viên cũng ghé thăm gia đình chị Trần Thị Thanh Thảo (27 tuổi, trú tại Lĩnh Nam, Hà Nội) hiện có hai con nhỏ đang phải học online.
Qua nói chuyện, chị Thảo cho biết hai vợ chồng cũng mất khoảng một tuần vật lộn với việc học online của hai con. Từ việc cài ứng dụng Zoom đến việc hướng dẫn con học, không để bị thoát ra khi đang theo dõi bài giảng của cô giáo.
Em Trần Linh Chi đang học online nhưng mạng yếu liên tục khiến bài giảng của thầy cô bọ gián đoạn. Ảnh: Tào Đạt |
"Quanh năm sinh sống bằng nghề chài lưới, nên cuộc sống cũng không có dư, khi biết các con phải học online tại nhà, sợ con không theo kịp các bạn tôi đành "cắn răng" mua hai chiếc điện thoại cũ cho con học chữ như bạn bè", chị Thảo tâm sự.
Khó khăn là thế nhưng dường như những đứa trẻ nơi đây từ lúc sinh ra đã quen với điều kiện như vậy. Suốt gần 3 tháng nay, vượt qua mọi thử thách, những đứa trẻ quanh năm lênh đênh trên mặt nước không để vắng một buổi học nào.
Chị em Trần Linh Chi vẫn khao khát một ngày được đi học bình thường trở lại. Ảnh: Tào Đạt |
Em Trần Linh Chi (con gái chị Thảo), đang học lớp 3 tại trường tiểu học Thúy Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội), bày tỏ: "Từ khi cô giáo thông báo học online, con cũng chỉ được nhìn thấy cô và các bạn qua màn hình điện thoại. Con không muốn học online vì không được gặp các bạn, nên giờ chỉ muốn được đến trường học cùng các bạn thôi".
Đằng sau ánh mắt hồn nhiên của chị em Trần Linh Chi là khát khao và hi vọng về một ngày tựu trường không xa.
Trao đổi với PV Tạp chí Thời Đại, ông Nguyễn Đăng Được, Trưởng xóm Phao chia sẻ: "Dù gia cảnh bố mẹ các cháu khó khăn nhưng ai cũng tạo điều kiện cho con em mình được đến trường trường đến lớp". "Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cháu năm nay phải học trực tuyến ở nhà. Nhưng điều kiện ở đây còn thiếu thốn, nên việc học của các cháu cũng gặp nhiều bất cập. Tôi mong dịch bệnh nhanh chóng chấm dứt hẳn để các cháu được đến trường, được thầy cô bên cạnh chỉ bảo, học tập", ông Được cho hay. |
Học sinh Hà Nội sẽ dự lễ khai giảng trực tuyến vào 7h30 ngày 5/9 Gần 2 triệu học sinh Hà Nội sẽ dự lễ khai giảng và bắt đầu học kỳ I năm học 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến. |
Hai trường đại học cho sinh viên học online sau kỳ nghỉ lễ Trong tối 29/4, ĐH Kinh tế và ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thông báo tất cả lớp học online từ ngày 4/5. |
Bộ Giáo dục chỉ đạo chủ động dạy trực tuyến để phòng dịch COVID-19 Mới đây (30/1), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch COVID-19 nhằm đáp ứng mục tiêu kép: Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên phòng chống dịch và hoàn thành kế hoạch năm học 2020-2021. |