Khai thác đất hiếm phải tính đến chế biến sâu để phục vụ cho công nghiệp chip, bán dẫn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quốc hội |
Sáng 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng thông tin về tình hình khai thác, quản lý, sử dụng các loại khoáng sản chiến lược, quan trọng, đặc biệt là đất hiếm trong thời gian qua.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược quan trọng và có trữ lượng tương đối lớn. Chẳng hạn trữ lượng bô xít khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng 600 triệu tấn.
Riêng với đất hiếm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá được trữ lượng khoảng 2,7 triệu tấn và khoảng 18 triệu tấn tài nguyên đất hiếm chưa được đánh giá, tức là Việt Nam có khoảng 20,7 triệu tấn.
"Thủ tướng đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng đất hiếm tổng thể", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin và cho biết thêm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, thiết yếu như đất hiếm, phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh để phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, nhất là các lĩnh vực đang thu hút đầu tư như công nghiệp chip, bán dẫn.
"Việt Nam đang thu hút công nghiệp chip bán dẫn. Thủ tướng đã chỉ đạo việc này. Nếu chúng ta chế biến sâu đất hiếm thì có thể phục vụ ngay trong nước và còn nghiên cứu để xuất khẩu", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, muốn làm được như vậy phải đáp ứng nhiều điều kiện. Trước đây, việc chế biến đất hiếm chưa được nghiên cứu một cách tổng thể, cho nên, chưa có công nghệ chế biến sâu, việc thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ còn khó. Do đó, cần phải thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao được công nghệ này.
Về việc này Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành sau khi đánh giá trữ lượng đất hiếm thì trong quá trình nghiên cứu, khai thác, chế biến yêu cầu phải chuyển giao công nghệ, cố gắng chế biến sâu, phục vụ phát triển đất nước.
Cùng với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương tiến hành việc điều tra, đánh giá trữ lượng đất hiếm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các địa phương có tiềm năng về đất hiếm như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai phải tăng cường công tác quản lý về đất hiếm, tránh khai thác, buôn bán trái phép.
"Đất hiếm có những thân mỏ ở sâu, có mỏ phân tán nhỏ lẻ, trên bề mặt. Đề nghị các địa phương phải quản lý tránh việc khai thác, buôn bán trái phép đất hiếm", Bộ trưởng nói.
Đất hiếm là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu). Đất hiếm được sử dụng làm nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, quang điện, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm của thế giới khoảng 120 triệu tấn, trong đó 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới lần lượt là Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn)… Các quốc gia khác có trữ lượng đất hiếm đáng kể (dưới 8 triệu tấn) như: Úc, Mỹ, Canada,... Tại Việt Nam trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với một số mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế như các mỏ Đông Pao, Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe,(Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái). Theo "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050", dự kiến trong thời kỳ đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. |