Kết nối nguồn lực giữa Nhà nước và doanh nghiệp để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Nhiều cạm bẫy từ thế giới ảo
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Phòng, chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội, bà Đinh Thị Như Hoa – Trưởng phòng kiểm định Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) cho biết có 89% trẻ em Việt Nam ở độ tuổi 12-17 sử dụng internet (theo thống kê của tổ chức UNICEF). Thiết bị phổ biến nhất để truy cập internet ở nhóm tuổi này là điện thoại di động, chiếm tới 98%.
Theo bà Hoa, 5 rủi ro mà trẻ em thường gặp nhiều nhất trên không gian mạng là: tiếp cận thông tin không phù hợp; bị tiết lộ thông tin cá nhân; bị lừa đảo; bị nghiện Internet, game, mạng xã hội,...; bị dụ dỗ tham gia các hoạt động phi pháp.
Bà Đinh Thị Như Hoa – Phó phòng kiểm định Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) phát biểu tại Hội thảo. |
Theo Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng.
Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, năm 2022 có hơn 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến được ghi nhận trên không gian mạng, trong đó có không ít vụ việc đối tượng bị lừa là trẻ em. Các hình thức lừa đảo chính với trẻ em là: Lừa đảo tham gia các cuộc thi người mẫu; Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm; Lừa đảo việc làm lương cao; Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý Nhà nước trong Phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.
Tăng cường kết nối và lắng nghe sáng kiến của trẻ
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, phòng, chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng là một trong những nội dung trọng tâm để xây dựng không gian mạng trong sạch, an toàn, hạnh phúc. Để thực hiện được mục tiêu đó cần có sự chung tay, kết nối và chia sẻ nguồn lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và các doanh nghiệp.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại sự kiện. |
Tại Hội thảo các đại biểu đã được lắng nghe một số tham luận, chia sẻ cung cấp thông tin về các giải pháp công nghệ hỗ trợ cha mẹ quản lý trẻ em tham gia môi trường Internet. Theo đó, hiện nay có rất nhiều giải pháp để kiểm soát thời gian trẻ em tham gia vào không gian mạng, tạo lập môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Trên các thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính bảng, máy tính cá nhân đều có những bộ lọc, bố mẹ có thể tìm hiểu để cài đặt từ đó kiểm soát thời gian cũng như hạn chế các đường truyền xấu độc.
Các đại biểu cũng được giới thiệu những sáng kiến và hoạt động thực tiễn ngăn chặn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng do các tổ chức World Vision Quốc tế tại Việt Nam, ChildFund Việt Nam, Plan International Việt Nam triển khai tại một số địa phương.
Theo Đại diện World Vision Quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế đang thực hiện việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở Việt Nam theo 3 cấp độ là phòng ngừa, hỗ trợ và xử lý can thiệp. Để công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đạt hiệu quả cao nhất cần có sự phối hợp giữa các đơn vị như Cục trẻ em, Cục An toàn thông tin, CLB Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng… và kết nối những nguồn lực sẵn có từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Việc kết nối có thể tạo nên sức mạnh chung để có những can thiệp và giải pháp phù hợp.
Đại diện World Vision Quốc tế tại Việt Nam cũng lưu ý trong quá trình can thiệp cần lấy trẻ làm trung tâm. Bởi trẻ em có những ý tưởng, sáng kiến tuyệt vời. Đó là những giải pháp riêng để tự kiến tạo môi trường mạng an toàn cho bản thân cũng như những bạn bè cùng trang lứa.
Video: Trẻ em Việt Nam với Internet