Johnson&Johnson phải bồi thường 29,4 triệu USD cho một phụ nữ ung thư
Văn phòng của Johnson & Johnson tại bang California - Mỹ. Ảnh: Reuters |
13.000 vụ kiện
Theo Reuters, bà Terry Leavitt đã đệ đơn kiện hãng Johnson&Johnson (J&J) lên Tòa án tối cao California (Mỹ). Người phụ nữ này nói rằng bà đã sử dụng các sản phẩm "Baby Powder" và "Shower to Shower" của J&J có chứa bột Talc vào những năm 1960 - 1970 và bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trung biểu mô vào năm 2017.
Leavitt cho rằng amiăng có trong các sản phẩm chứa bột Talc là nguyên nhân khiến cô mắc phải căn bệnh này.
Đây là vụ kiện đầu tiên trong số hơn chục trường hợp hoạt động của J&J dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào năm 2019. Phiên tòa kéo dài 9 tuần bắt đầu vào ngày 7/1 và bao gồm quá trình lấy lời khai từ gần một chục chuyên gia ở cả hai bên.
Sau khi cân nhắc 2 ngày, bồi thẩm đoàn ở bang California đã ra phán quyết yêu cầu J&J phải bồi thường số tiền 29,4 triệu USD cho bà Leavitt. Họ nhận thấy các sản phẩm chứa bột Talc của J&J gặp vấn đề và công ty đã không cảnh báo cho người tiêu dùng về các nguy cơ sức khỏe.
Phán quyết tại Tòa án Tối cao bang California đánh dấu lần đầu tiên một vụ kiện sản phẩm chứa bột Talc của J&J được đưa ra xét xử kể từ tháng 12 năm ngoái. Công ty này đang phải đối mặt với hơn 13.000 vụ kiện liên quan đến bột Talc trên toàn quốc.
Sau phán quyết của tòa án, J&J tuyên bố sẽ kháng cáo, đồng thời chỉ ra "các vấn đề nghiêm trọng về thủ tục và bằng chứng" trong quá trình xét xử. Công ty nói rằng luật sư của bà Leavitt không trình ra được sản phẩm chứa amiăng để làm chứng cứ.
Sản phẩm "Baby Powder" của Johnson & Johnson. Ảnh: Reuters |
Sự thật bị che giấu hàng thập kỷ?
Vụ kiện của bà Leavitt là trường hợp đầu tiên được đưa ra xét xử kể từ khi hãng tin Reuters ngày 14/12 công bố một báo cáo chi tiết rằng J&J đã biết bột Talc trong bột tan thô và phấn rôm thành phẩm của hãng đôi khi cho kết quả dương tính với một lượng nhỏ amiăng từ những năm 1970 đến đầu những năm 2000 và đã không tiết lộ cho các cơ quan chức trách và người tiêu dùng.
Bài viết cũng khẳng định hãng đã tìm cách tác động tới những kế hoạch của nhà chức trách Mỹ liên quan đến hạn chế lượng amiăng trong các mỹ phẩm chứa bột tan và các nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của bột tan đối với sức khỏe.
J&J đã bác bỏ thông tin trên bài viết của Reuters, cho rằng nội dung bài viết "phiến diện, kích động và sai lệch". Công ty dẫn các nghiên cứu đối với hơn 100.000 nam giới và phụ nữ cho thấy bột tan không gây ung thư hoặc các bệnh liên quan đến chất amiăng.
Cũng theo J&J, hàng nghìn cuộc thí nghiệm độc lập do các nhà chức trách và những phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới chứng tỏ phấn rôm không bao giờ chứa chất amiăng.
Tháng 7/2018, J&J đã bị yêu cầu khoản nộp phạt và bồi thường 4,69 tỷ USD trong một vụ kiện hãng đã bán các sản phẩm phấn rôm chứa chất amiăng gây ung thư. Các nguyên đơn, đại diện một nhóm gồm 22 phụ nữ, cáo buộc việc sử dụng phấn rôm của J&J cho mục đích vệ sinh vùng kín gây ra ung thư buồng trứng.
Như vậy, cho đến nay, trong 11 vụ kiện về amiăng trong phấn rôm, ba trường hợp nguyên đơn thắng và J&J thắng ba trường hợp khác, còn năm trường hợp không thể đưa ra phán quyết cuối cùng.
Các vụ kiện bột Talc trước đó tập trung vào cáo buộc đây là tác nhân gây ung thư buồng trứng. Gần đây, các luật sư của nguyên đơn tập trung tranh luận về việc amiăng gây ung thư buồng trứng và ung thư trung biểu mô - một dạng ung thư liên quan đến phơi nhiễm amiăng.