Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Vẫn là dùng thuế quan chia lại thị trường
PGS.TS Phạm Tất Thắn. Ảnh nhân vật cung cấp.
Thưa PGS, cho đến thời điểm hiện nay, thế giới đã xảy ra bao nhiêu cuộc chiến thương mại?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Cho đến hiện nay, thế giới đã xảy ra 7 cuộc chiến thương mại và năm 2018 xảy ra 1. Cuộc chiến này kéo theo rất nhiều nước “tham chiến” mà nước “phát động” là Mỹ. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “leo thang” tới mức có thể gọi là chiến tranh thương mại toàn cầu. Đã là chiến tranh thì dưới bất kể hình thức nào, nó cũng có mất mát và đều mang tính tấn công đối phương.
Những quả chuối Nam Mỹ này đã tạo ra cuộc chiến thương mại mang tên Cuộc chiến chuối. Ảnh sưu tầm.
Cuộc chiến thương mại đầu tiên của Mỹ với các nước diễn ra vào năm 1930, có tên là Good Golly Smoot-Hawley. Thứ hai là cuộc chiến gà năm 1963. Thứ ba là cuộc chiến hàng Nhật năm 1981. Thứ tư là cuộc chiến gỗ năm 1982. Thứ năm là cuộc chiến mỳ ống năm 1985. Thứ sáu là cuộc chiến chuối năm 1993. Tiếp theo là chiến tranh thép năm 2002. Và, hiện nay, năm 2018 là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Vậy, triết lý của các cuộc chiến thương mại này là gì, thưa PGS.TS Phạm Tất Thắng?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Triết lý của chiến tranh thương mại thế giới là nước lớn, nước áp đặt được cuộc chiến nhằm phân chia lại thị trường thế giới. Nước “khởi xướng” cuộc chiến đưa ra nhằm thể hiện quyền thống trị của họ trên thế giới ở các mặt: Kinh tế; chính trị; quyền lực và sự ảnh hưởng có lợi cho họ về địa chính trị. Bản chất, nước lớn muốn nước khác… phụ thuộc về kinh tế để dễ bề “thống trị” trong các hoạt động chính trị, tạo ra quyền lực để chi phối nước khác, nước nhỏ phải thực hiện theo ý của mình.
Chiến tranh thương mại là sự phân chia lại thị trường. Và, sự phân chia này động chạm đến quyền lực của các nước trên các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị… Quyền lực của Mỹ thể hiện ở nhiều cách là quyền tự do đi lại trên biển, quyền được áp thuế thương mại….
Chiến tranh thương mại chỉ là một trong những biện pháp để Mỹ khẳng định lại vai trò, vị thế địa chính trị của mình trên trường quốc tế.
Cuộc chiến gà. Ảnh sưu tầm.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là một bộ phận trong những biện pháp giúp Mỹ khẳng định lại vị trí của mình trên trường thế giới, không để cho những mặt hàng Made in China thống trị thị trường quốc tế.
Với phân tích của PGS.TS như trên, chúng ta có thể hiểu như thế nào về quy luật của các cuộc chiến thương mại toàn cầu?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Khi thị trường phát triển đến mức nào đó, nó đòi hỏi có sự phân chia lại thị trường, khẳng định lại vị thế của từng thành phần (hay còn gọi là nước lớn) cụ thể. Trong quá trình phát triển kinh tế, thương mại phát sinh ra nhu cầu thị trường và mâu thuẫn khác nhau sẽ có một bên khởi xướng phân chia lại thị trường. Nếu bên còn lại phản ứng, điều này cũng có nghĩa là chiến tranh thương mại bắt đầu.
Bởi bên khởi xướng muốn phân chia lại thị trường trên thế giới. Điều đó không chỉ gây tổn hại cho cả hai bên mà còn ảnh hưởng đến thị trường nó tác động.
Nhìn vào thứ tự các cuộc chiến thương mại quốc tế, người ta thấy, Mỹ luôn là nước “phát động”. Vậy, phương thức thực hiện và các tình huống của cuộc chiến có khác nhau theo sự phát triển kinh tế thế giới không, thưa PGS.TS?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Nó có mẫu số chung báo hiệu một cuộc chiến thương mại sắp và sẽ diễn ra đó là gây sức ép, tạo ra các rào cản cho đối phương. Hình thức thể hiện là áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu của các nước vào nước “gây chiến”. Rồi tạo ra những yếu tố để hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa…
Ở diện hẹp thì đánh thuế quan vào một trong số các mặt hàng cụ thể nào đó như: Ô tô, nông sản, gia cầm, thủy sản…
Ở diện rộng, chính là cuộc chiến áp đặt thuế lên các mặt trận của ông Tổng thống Mỹ Donal Trump hiện nay.
Ngày nay, các biện pháp để gây sức ép với các nước đối phương trong cuộc chiến thương mại, Mỹ sử dụng đa dạng các hình thức. Trong đó, “con bài tẩy” thuế quan luôn được sử dụng một cách tối đa, liên tục để gia tăng sự ảnh hưởng, gây thiệt hại cho đối phương.
Triết lý của chiến tranh thương mại toàn cầu, ở trên PGS.TS đã phân tích, vậy theo ông, đâu là bản chất của các cuộc chiến thương mại?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Tôi có thể nói một câu ngắn gọn nhưng đủ ý về bản chất của chiến tranh thương mại xuất phát từ chính sách bảo hộ nền kinh tế trong nước của nước lớn.
Trong các cuộc chiến thương mại, Mỹ cũng bị thiệt hại, song mức thiệt hại được tính toán, khống chế. Tức là Mỹ chủ động được thiệt hại nhưng đối với các nước đối phương, nó có sức công phá kinh tế của họ, sức công phá đó chính là sự tàn phá nền kinh tế một quốc gia và để lâu, nó ảnh hưởng nặng cả kinh tế toàn cầu.
Theo PGS.TS, điều chúng ta lo ngại nhất của các cuộc chiến thương mại toàn cầu là gì?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Trước đó, nền kinh tế kiệt quệ của chiến tranh thương mại năm 1930 được xác định là ngòi nổ cho chiến tranh thế giới năm 1939.
Ông Smoot và Haley là hai người “khởi xướng” cuộc chiến thương mại đầu tiên của lịch sử.
Hiện nay, điều chúng ta lo ngại của chiến tranh thương mại là có khả năng sẽ leo thang, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác như: Sở hữu trí tuệ, chống ăn cắp, chống các hành động gián điệp… Điều này cũng có nghĩa Mỹ sẽ phải phân chia lại quyền lực trong cuộc chiến tranh thương mại, thương trường và ảnh hưởng trên toàn cầu.
Một số chuyên gia đưa ra nhận xét, cuộc chiến thương mại do Mỹ “phát động” chẳng có triết lý gì, nó thật sự vô đối trong chính sách thương mại, bảo hộ kinh tế và cách thể hiện quyền lực chính trị của nước lớn? PGS.TS có thấy nhận xét trên là phù hợp?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Thực chất, Mỹ có ý đồ, khởi xướng, thực hiện cuộc chiến thương mại với các nước lớn, nước nhỏ, đối phương khá bài bản, theo từng bước, từng lộ trình. Họ có động thái thăm dò, đưa ra sức ép, rào cản “leo thang”. Tuy nhiên, các cách mà họ bắt đầu và kết thúc cuộc chiến thì quả thật là vô đối. Nó không theo quy luật, triết lý, bản chất gì. Miễn là họ đạt được những lợi thế mà họ thấy cần thiết. Còn sự ảnh hưởng đến các nước là có nhưng hình như họ không quan tâm.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS!
Quế Ngân-Phương Hà (thực hiện)