Huyện Gia Lâm, Hà Nội tổ chức khai hội Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng” cho lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng (Ảnh: Kinh tế đô thị) |
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm là hội trận, được vua Lý Công Uẩn cho khởi tạo, tổ chức từ thời Lý; diễn ra từ ngày mùng 7-9/4 Âm lịch hàng năm.
Tối 6/5, huyện Gia Lâm tổ chức khai hội Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 và đón quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng,” tại đền Thượng, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm là hội trận được vua Lý Công Uẩn khởi tạo và tổ chức từ thời Lý; diễn ra từ ngày 7-9/4 âm lịch hàng năm, nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng - người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm. Lễ hội được Nhân dân Phù Đổng bảo tồn, trao truyền cơ bản nguyên vẹn từ đời này qua đời khác và cũng là một kịch trường dân gian, diễn ra trong một không gian rộng lớn với hàng nghìn vai diễn chính là Nhân dân; nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Với sự đặc sắc và những giá trị to lớn ấy, năm 2010, hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng với hội Gióng ở đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Hội Gióng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm gắn với truyền thuyết vào thời Hùng vương thứ 6, có một cậu bé được sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng; khôi ngô, tuấn tú nhưng 3 tuổi vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà, khi nghe tiếng loa của sứ giả nhà Vua tìm người tài giỏi đánh giặc cứu nước, cậu bé Gióng bỗng vươn vai trở thành tráng sĩ, xung phong đi đánh giặc. Sau khi thắng trận, chàng Gióng cởi bỏ áo giáp, lạy từ biệt mẹ già, quê hương, cưỡi ngựa bay về trời. Từ đó, Nhân dân tôn ngài là đức Thánh Gióng; là biểu tượng cho tinh thần, sức mạnh, lòng yêu nước, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội năm nay được tổ chức 5 ngày, từ ngày 6/5 đến ngày 10/5 (tức ngày mùng 6-10/4 năm Nhâm Dần) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và các điểm du lịch trong vùng. Lễ hội bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống như ngoại đàn, tế Thánh tại đền Thượng, lễ rước khám đường, rước nước truyền thống, kén tướng… Riêng ngày 9/5 (tức mùng 9/4) là ngày chính hội sẽ diễn ra hội trận truyền thống, tái hiện lại cảnh Thánh Gióng đánh giặc Ân.
Tại lễ hội năm nay, huyện Gia Lâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Gia Lâm như Khai mạc chợ quê tại khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park; Lễ hội hoa giấy Phù Đổng lần thứ nhất; khai trương các cơ sở mua sắm, cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; các gian hàng OCOP; xúc tiến quảng bá du lịch; ra mắt Hợp tác xã Du lịch Hội Gióng Phù Đổng; thi đấu giải cầu lông, bóng chuyền; hát quan họ; biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống khác…
Đại diện lãnh đạo Trung ương, TP Hà Nội và huyện Gia Lâm nhấn nút khai trương APP du lịch Gia Lâm (Ảnh: Kinh tế đô thị) |
Cũng tại buổi lễ, huyện Gia Lâm khai trương Cổng thông tin điện tử và App Du lịch Gia Lâm nhằm tuyên truyền, quảng bá về du lịch “Gia Lâm-Điểm đến của bạn bè bốn phương” đến du khách trong và ngoài nước.
Gia Lâm hiện đang sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ với 320 di tích lịch sử văn hóa, hàng trăm lễ hội truyền thống; trong đó có 159 di tích đã được xếp hạng các cấp; đền Phù Đổng được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; hội Gióng đền Phù Đổng cùng hội Gióng ở Sóc Sơn được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |