Bình Định khai mạc lễ hội du lịch biển Quy Nhơn năm 2022
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử - cách mạng. Nơi đây từng là cố đô của Vương quốc Champa xưa; nơi phát tích phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người Anh hùng kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ; là cái nôi của nhiều loại di sản văn hóa độc đáo như: Võ cổ truyền, Tuồng, Bài Chòi, trong đó, nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây còn là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn của đất nước như: Đào Tấn, Xuân Diệu, Yến Lan; là nơi thăng hoa tài năng của nhiều thi sĩ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, đồng thời là một trong số các địa phương khu vực miền Trung có nhiều lễ hội đặc sắc, nhiều làng nghề truyền thống và một nền ẩm thực độc đáo mang phong vị riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu khai mạc. Ảnh: Cổng TTĐT Bình Định |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình định lần thứ XX đã xác định du lịch là một trong 5 trụ cột tăng trưởng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2020 - 2025; phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế; đóng góp của hoạt động du lịch vào tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh đạt 20%.
Với mong muốn tạo ra một sự khác biệt, một điểm đến mới trong bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bình Định đang quyết tâm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với 3 trụ cột chính là: Biển đảo, Văn hóa - Lịch sử và Khoa học. Trong đó: Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực; du lịch văn hóa - thể thao - khoa học là tiềm năng, thế mạnh, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, cách mạng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết thêm, đến với Bình Định năm nay, du khách sẽ có những trải nghiệm, khám phá thú vị, ấn tượng với những sản phẩm du lịch độc đảo và nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Tổ hợp không gian khoa học, bao gồm nhà mô hình vũ trụ và Bảo tàng khoa học; Lễ hội đường phố Quy Nhơn; Lễ hội cá ngừ Bình Định; Vòng chung kết Cuộc thi Hoa Hậu Thế giới - Việt Nam 2022; Giải Võ cổ truyền tranh Cúp Hoàng đế Quang Trung; Giải chạy MerryLand Quy Nhơn Run 2022; Giải chạy VN Express Marathon Sparkling Quy Nhon...
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc lễ hội du lịch biển Quy Nhơn năm 2022. Ảnh: Cổng TTĐT Bình Định |
Lễ khai mạc diễn ra với các chương trình nghệ thuật tổng hợp cùng chủ đề “Quy Nhơn - Thiên đường biển” do các diễn viên, nghệ sĩ, võ sinh của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh biểu diễn. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của các giọng ca nổi tiếng, như: Uyên Linh, Thu Hà, Đức Phúc, Đông Hùng, nhóm MTV, nhóm Mây Trắng. Cuối chương trình là màn bắn pháo hoa nghệ thuật.
Tính đến cuối năm 2019 (trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra), khách du lịch đến tỉnh Bình Định đạt gần 5 triệu lượt khách (tăng bình quân 16,7%/năm), doanh thu du lịch đạt 6.000 tỷ đồng (tăng bình quân 55,1%/năm); đóng góp của hoạt động du lịch vào tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh là 18%.
Quý I năm 2022 tỉnh Bình Định đón được gần 1 triệu lượt khách, tăng 27% và doanh thu đạt 1.312 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Riêng du lịch Quy Nhơn - Bình Định được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất của ngành du lịch Việt Nam và là một trong ba thành phố du lịch của Việt Nam nhận giải thưởng “Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020”.
Vào 19h30 ngày 30/4, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn, Bình Định sẽ diễn ra chương trình hoạt náo nghệ thuật đường phố Quy Nhơn. Chương trình được dàn dựng hoành tráng với những chủ đề nghệ thuật đặc tả mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng “đất Võ, trời Văn” với nhiều tiết mục hấp dẫn, sôi động để phục vụ nhân dân và du khách. Mở màn đêm hội là chương trình diễu hành bằng 3 xe hoa trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ ngã ba đường Nguyễn Tất Thành - Trần Thị Kỷ đến Quảng trường Nguyễn Tất Thành). Các xe hoa được thiết kế, trang trí theo các chủ đề: Du lịch biển, nghệ thuật tuồng, đương đại. Tiếp đến là các tiết mục nghệ thuật được biểu diễn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, như: Múa lân, sư, rồng; hát múa bả trạo, biểu diễn võ cổ truyền, múa Chăm, múa cờ hội, đội hình canival, đi cà kheo, nhảy cổ động thể thao, biểu diễn nhạc sôi động DJ và nhạc acoustic phục vụ đến 22h30. Ngoài thưởng thức các chương trình nghệ thuật, người dân và du khách còn có thể ghé các gian hàng ẩm thực, tham quan các gian hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm quà tặng du lịch tại khu vực phía nam Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Trước đó, vào 16h cùng ngày, Hội thi thả diều với hơn 150 con diều rực rỡ sắc màu sẽ diễn ra tại bãi biển dọc đường Xuân Diệu (đoạn gần Quảng trường Nguyễn Tất Thành). |