Hợp tác Việt Nam – Hà Lan góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng phó BĐKH
Theo Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2022, với hơn 3.200km bờ biển, Việt Nam nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do hệ quả của biến đổi khí hậu. Bởi, theo kịch bản đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, khi nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa an ninh lương thực và kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, cả hai đồng bằng lớn của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tài nguyên nước.
Để quản lý hiệu quả và bền vững nguồn nước thì giáo dục đóng một vai trò quan trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ năng lực để giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Nắm bắt nhu cầu đó, năm 2019, Chính phủ Hà Lan đã viện trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Khí hậu Việt Nam – Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Tri thức Hà Lan (OKP) với thời gian thực hiện 4 năm (2019-2023). Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực phát triển giáo dục bằng cấp ngành Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước và các khóa học ngắn hạn cho các chuyên gia; tăng cường năng lực phát triển tổ chức; tăng cường năng lực để tham gia tốt hơn vào thị trường lao động.
Lễ ký kết bàn giao kết quả Dự án “Khí hậu Việt Nam – Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng Việt Nam” (Ảnh: Bộ TN&MT)
Theo bà Cora Van Nieuwenhuizen – Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Vương quốc Hà Lan: Việt Nam và Hà Lan đang phải đối mặt với những thách thức giống nhau như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa và sụt lún. Cả hai đất nước đều nằm trong vùng đồng bằng dễ bị tổn thương, nhiều thành phố gặp khó khăn trong việc cung cấp nước sạch vì nhiễm mặn và dư lượng thuốc trừ sâu làm cho xử lý nước thải phức tạp hơn. Vì vậy, cần có những giải pháp cho hiện tại và trong tương lai. Và đó là lý do tại sao giáo dục, nghiên cứu rất quan trọng. Nhưng hiện nay rất ít sinh viên Việt Nam chọn học ngành quản lý nước. Một trong những mục tiêu chính của Chương trình Tri thức Hà Lan (OKP) là nâng cao, thu hút các sinh viên theo học ngành này. Hợp tác cùng nhau mở rộng chương trình giảng dạy, đào tạo đại học, thạc sĩ và nâng cao năng lực cho cán bộ trong ngành.
Bên cạnh giáo dục, mục tiêu thứ hai của Chương trình là hợp tác nghiên cứu sẽ có lợi cho cả hai nước. Việt Nam sẽ học hỏi từ Hà Lan và Hà Lan sẽ học hỏi từ Việt Nam về quản lý nguồn tài nguyên nước và nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu thứ ba của Chương trình là cải thiện liên kết với thị trường việc làm, giúp sinh viên có những cơ hội làm việc tốt khi ra trường; dám nghĩ dám làm, tìm ra những giải pháp mới và đưa chúng vào thực tế.
Thực hiện các mục tiêu đề ra của dự án, trong 4 năm qua, các trường đại học của Việt Nam (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Đại học Thủy Lợi) cùng với các trường đại học phía Hà Lan (Trường đại học Công nghệ Delft, Đại học ITC Twente; Đại học Khoa học ứng dụng Utrecht) đã hợp tác trong giáo dục đại học và sau đại học về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước. Trong đó tập trung vào việc nâng cấp các chương trình giáo dục đại học và sau đại học, đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng thực hành, thực tập và định hướng nghề nghiệp cho nguồn nhân lực trong tương lai cũng như các cán bộ chuyên trách làm công tác tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương.
Cụ thể, các chuyên gia của Dự án OKP cùng với giảng viên khoa Tài nguyên nước của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy, và học tập thông qua việc tổ chức các hội thảo trao đổi các nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức các chuyến tham quan thực địa và thực hiện các thí nghiệm ngoài trời nhằm xây dựng các vùng tham quan và thực hành, hướng dẫn các nghiên cứu khoa học cho sinh viên, và tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá về chương trình đào tạo ngành Quản lý Tài nguyên nước.
Đối với Đại học Thuỷ lợi, các chuyên gia của dự án OKP cùng với cán bộ giảng viên nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đi thực địa để xây dựng các nghiên cứu điển hình, tham quan học tập tại các trường đại học chất lượng cao trong nước, triển khai việc tham gia vào Bảng xếp hạng QS Châu Á tại Singapore, tham dự Hội nghị và Triển lãm QS APPLE 2019 tại Fukuoka, Nhật Bản, các sản phẩm truyển thông quảng cáo tuyển sinh ngành nước.
Sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giới thiệu sản phẩm nghiên cứu của Dự án với Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Baar (Ảnh: Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)
Phát biểu tại buổi lễ Tổng kết Dự án OKP trong tháng 3/2023 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những đóng góp tích cực của Dự án trong 4 năm qua, cho dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song những hoạt động của Dự án vẫn được triển khai và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, sự hợp tác giữa các trường đại học của hai nước đã cùng nhau nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực về tài nguyên nước theo định hướng thực hành, thực tập và phù hợp với thị trường lao động cũng như lĩnh vực nước nói riêng.
Thứ trưởng hy vọng những hợp tác quốc tế và các kết quả mà Dự án mang lại sẽ tiếp tục được phát triển nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường với mục tiêu đóng góp cho sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.