Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ - kênh hiệu quả để kết nối giao thương hai nước
VBG là viết tắt của Swiss-Vietnamese Business Gateway hay Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sỹ, được nhà báo Nguyễn Thị Thục (bút danh Thục Minh, nguyên Trưởng đại diện Báo Thanh Niên tại Singapore) cùng hai doanh nhân Thụy Sỹ gốc Việt thành lập tại thành phố Lausanne.
Đại sứ Lê Linh Lan và các thành viên Ban điều hành Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ. |
Theo Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan, SVBG ra đời vào một thời điểm hết sức đặc biệt. Tuy đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của tình hình kinh tế thế giới trong hơn một năm qua, song với quyết tâm cao cùng sự đồng lòng của Chính phủ và toàn xã hội, về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh, đổi mới sáng tạo trong tư duy, tầm nhìn và cách làm để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đón các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thụy Sỹ.
Với tốc độ tăng trưởng GDP 2,91% năm 2020, Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước giữ được tăng trưởng GDP dương trong khi nhiều nước trên thế giới rơi vào suy thoái nặng nề.
Ngay trong đại dịch, Việt Nam được thế giới đánh giá là quốc gia có nhiều yếu tố hỗ trợ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới như chính trị ổn định, nền tảng kinh tế lành mạnh, và đặc biệt là hiệu ứng tích cực của việc ký kết gia nhập một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Đặc biệt, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mở ra những cơ hội to lớn thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Âu, hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của các nước thời kỳ hậu COVID-19. Những yếu tố trên có thể là lợi thế lớn thu hút các nhà đầu tư Thụy Sỹ.
Hiện Thụy Sỹ là đối tác thương mại quan trọng và là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện lực. Có khoảng gần 100 doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi lớn của Thụy Sỹ như Nestlé, Novatis, Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng), ABB (thiết bị điện) đang hoạt động ở Việt Nam.Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của Thụy Sỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2019 đạt hơn 3,6 tỷ USD.
Có thể thấy cơ hội và tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sỹ thời gian tới còn rất lớn. Vì vậy VBG ra đời với nhiều nỗ lực kết nối, thúc đẩy thương mại đầu tư giữa hai nước có thể đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác hợp tác hai bên ngày càng phát triển, phục vụ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam-Thụy Sỹ.
Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ là một Hiệp hội phi lợi nhuận được thành lập theo quy định Bộ luật Dân sự Thụy Sỹ, trung lập về chính trị và tôn giáo. Trụ sở Hội được đặt tại thành phố Lausanne, Thụy Sỹ.
Mục đích hoạt động của Hội là thúc đẩy trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sỹ và Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Với vai trò quảng bá, kết nối và hỗ trợ, SVBG tập trung vào các hoạt động như: Thông tin cho doanh nghiệp hai nước về tiềm năng kinh tế và cơ hội kinh doanh thương mại và đầu tư của nhau bằng hình thức hội thảo, diễn đàn và các bản tin nội bộ; Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp hợp lệ nhằm giúp các doanh nghiệp thành công khi đầu tư, giao thương ở nước ngoài.
Bên cạnh đó SVBG cũng quan tâm tới việc phát triển các liên kết, tạo kênh dẫn thuận lợi cho việc hợp tác chuyển giao công nghệ và cải tiến kỹ thuật mang tính chất thương mại; Giới thiệu chuyên gia, kỹ sư lành nghề, nhân công có tay nghề và các dịch vụ thuê ngoài theo nhu cầu của doanh nghiệp; Tương tác góp ý vận động các cơ quan chức năng hai nước tạo môi trường kinh doanh với các điều kiện đầu tư và hoạt động tối ưu cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Đại sứ Lê Linh Lan tiếp đoàn Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ. |
Nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, ngày 15/5, SVBG đã bổ nhiệm Ban đại diện gồm những người đang làm việc trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam và tâm huyết thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hóa và giáo dục giữa hai nước.
Bên cạnh bổ nhiệm Ban đại diện tại Việt Nam, SVBG cũng nhất trí đề cử chuyên gia luật Phạm Sỹ Chung, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, làm Hội viên danh dự, Cố vấn về đầu tư và thương mại quốc tế của SVBG.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ra những tác động nặng nề tới nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam và Thuỵ Sĩ nói riêng, sự ra đời của SVBG sẽ là điểm sáng, cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ