Hội nghị tập huấn vai trò của Hội đồng nhân dân trong thúc đẩy đối thoại, tham vấn trẻ em
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Báo Hà Giang) |
Hội nghị tập huấn có sự tham gia của gần 50 Đại biểu đến từ Hội đồng Nhân dân các tỉnh, Hội đồng Nhân dân các huyện, tỉnh Đoàn, huyện Đoàn thuộc 03 tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Tuyên Quang.
Nội dung được đề cập trong khoá tập huấn nhằm xây dưng năng lực các đại biểu HĐND thực hiện tốt vai trò giám sát các vấn đề của trẻ em và lồng ghép các vấn đề của trẻ em trong việc xây dựng các chính sách tại địa phương. Cụ thể, (1) Kỹ năng tham vấn trẻ em trong việc ban hành chính sách liên quan đến trẻ em do Bà Phạm Phương Thảo Nguyên Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh trình bày; (2) HĐND với việc giám sát, lồng ghép vấn đề trẻ em trong hoạch định chính sách ở địa phương do ông Nguyễn Hải Hữu, Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ LĐTB&XH trình bày; (3) Quy trình tổ chức phiên đối thoại với Hội đồng Trẻ em do ông Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử trình bày; (4) Kỹ năng làm việc với Trẻ em do ông Nguyễn Trọng An Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ TB& H trình bày.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Hải Long cho biết: "Từ những nội dung được tập huấn, các đại biểu hiểu rõ hơn vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề của trẻ em. Thông qua đối thoại với các em giúp các đại biểu hiểu rõ hơn thực trạng cuộc sống của trẻ em. Các ý kiến của trẻ em giúp lãnh đạo các ban ngành, đại biểu HĐND các cấp xác định, xây dựng chương trình, chính sách tại địa phương phù hợp hơn với thực tế. Đồng thời ý kiến của trẻ em hỗ trợ các ban ngành thực thi các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em hiệu quả hơn."
Cũng trong buổi tập huấn, ông Bùi Quang Trí, Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh Hà Giang đã chia sẻ kinh nghiệm của HĐND trong ban hành Nghị quyết chuyên đề liên quan đến vấn đề trẻ em.
Sau 02 ngày tham gia hội nghị tập huấn, bà Hứa Thị Hà, Phó Chủ tịc HĐND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Khi tham gia Hội nghị, chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm thực tế, để học hỏi lẫn nhau. Trong đó, kỹ năng làm việc với trẻ em là một nội dung vô cùng quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua hoặc chưa biết."
Luật Trẻ em được Quốc Hội thông qua ngày 15/4/2016; trong đó tại điều 74 có nêu: Việc Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói của trẻ em. Tại điều 78 quy định: Hằng năm, Hội đồng nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm.
Để thúc đẩy việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Tổ chức Plan ký thỏa thuận với Trung ương Đoàn xây dựng và triển khai đề án “Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em”. Đề án tập trung xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình “Hội đồng Trẻ em” trên phạm vi toàn quốc để đưa ý kiến của trẻ em được lắng nghe trong quá trình xây dựng các chương trình chính sách liên quan đến trẻ em. Hội đồng trẻ em là tổ chức đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương. Đồng thời, Hội đồng Trẻ em là tổ chức tham vấn cho lãnh đạo địa phương về các vấn đề liên quan đến trẻ em trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, chính sách có liên quan đến trẻ em. Cho đến nay, tại 5 tỉnh Vùng dự án Plan, đã có 5 HĐTE cấp tỉnh và 8 HĐTE cáp huyện được thành lập với tổng số trẻ em được các bạn bầu chọn tham gia là 453 (155 nam, 298 nữ). Trong 2 năm qua, đã có 18 phiên đối thoại của HĐTE với Đại biểu Quốc Hội tỉnh, HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện. Hàng năm, các em thành viên HĐTE thực hiện thu thập thông tin của trên 18,000 trẻ em tại 5 tỉnh. Từ thông tin của các bạn, Hội đồng Trẻ em tổng hợp thành hàng trăm các câu hỏi xoay quanh những vấn đề nóng hàng ngày của trẻ em. Các vấn đề cụ thể được các em đối thoại với đại biểu HĐND các cấp như tảo hôn tại các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bóc lột, thiết chế văn hóa cho trẻ em tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thực hiện quyền cho trẻ em khuyết tật, trẻ em tại mái ấm, nhà mở.. Sau các cuộc đối thoại , các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc giải quyết sâu sắc hơn các vấn đề trẻ em nêu. Tỉnh Hà Giang, đã vận động, xã hội hóa, tạo ra hàng chục sân chơi tại các thôn bản cho trẻ em, xây dựng nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện tại huyện Xín Mần với kinh phí hơn 800 triệu. UBDN Tỉnh ban hành nhiều văn bản để yêu cầu các cấp các ngành vào cuộc thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tốt hơn nữa. Hội nghị tập huấn bồi dưỡng năng lực làm việc với trẻ em, kỹ năng tiếp xúc, đối thoại và tham vấn với trẻ em, giám sát và lồng ghép các vấn đề của trẻ em cho các đại biểu HĐND đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo, của HĐND các cấp và cơ quan công tác đại biểu của Quốc Hội trong việc giải quyết các vấn đề của trẻ em, chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em được tốt hơn. |