Hội nghị chuyên đề kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền thế giới
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe giới thiệu về Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế, trong đó khẳng định giá trị chính trị, đạo đức, pháp lý của Tuyên ngôn trong việc tiếp tục soi sáng việc thực thi quyền con người ở mỗi quốc gia và trên phạm vị toàn cầu; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người.
Hội nghị cũng thảo luận công tác tuyên truyền về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, định hướng tuyên truyền về vấn đề này năm 2019, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của báo chí trong lĩnh vực này.
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại nhấn mạnh Hội nghị chuyên đề lần này có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về quyền con người. Vì vậy, đề nghị các cơ quan báo chí từ nay tới ngày 10/12/2018 tổ chức tin, bài để đăng phát trên báo chí tuyên truyền về Ngày Nhân quyền thế giới, trong đó chú trọng tuyên truyền về thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người; đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực quốc tế và Liên Hiệp quốc trong thúc đẩy quyền con người trên tinh thần Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế; quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền về nhân quyền, đặc biệt chú ý các sự kiện nhân quyền năm 2019; trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác tuyên truyền trên báo chí; đề xuất trách nhiệm đồng hành của các bộ, ngành thành viên BCĐ về Nhân quyền Chính phủ.
Trong tham luận của mình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh giá trị thời đại của Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế, qua đó giúp nhận diện những thời cơ và thách thức đối với Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên đánh giá hiện nay Việt Nam đã có những tiến bộ so với trước trong nhận thức về vấn đề quyền con người, ở cả cấp lãnh đạo đến người dân. Qua đó góp phần thúc đẩy và thực thi đảm bảo các quyền con người tốt hơn, phù hợp với luật pháp quốc tế và trong nước. Việt Nam từ chỗ bị động đã chuyển sang chủ động đối thoại và trao đổi thẳng thắn với các tổ chức quốc tế và các nước về quyền con người, nhất là các nước còn có bất đồng với Việt Nam về vấn đề này. Nếu trước đây, vấn đề quyền con người bị coi là nhạy cảm nên bị né tránh đề cập, thì nay Việt Nam đã có cả một hệ thống các quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Chủ trương nhất quán của Đảng là “chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”.
Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh, báo chí, truyền thông càng phải phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả tuyên truyền về lĩnh vực quyền con người, nhất là những thành tựu và cả những khó khăn trong thực thi quyền con người ở Việt Nam.
Cách đây tròn 70 năm, ngày 10/12/1948, Liên Lợp Quốc công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Vào ngày này, bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, đã đại diện Liên Hợp Quốc tuyên đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền lịch sử tại Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn này là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền Quốc tế, bao gồm hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1966 là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Ngày 4/12/1950 trong phiên họp toàn thể lần thứ 317, Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết số 423 chính thức công nhận ngày 10/12 hằng năm là "Ngày Nhân quyền thế giới”. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến bộ lịch sử và giá trị to lớn về mặt đạo đức, chính trị và pháp lý. Trên tinh thần của tuyên ngôn, khoảng hơn 80 công ước, tuyên bố quốc tế về quyền con người được soạn thảo và ban hành.
Tại Việt Nam, hơn 30 năm đổi mới đã có nhiều nỗ lực và đạt được thành tích được quốc tế ghi nhận trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nhất là thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trước đây và các Mục tiêu Phát triển bền vững hiện nay. Việt Nam đã và đang là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc về quyền con người, trong đó có Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Việt Nam là thành viên nhiệm kỳ 2014-2016) và Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) và hiện đang ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
An Nhi