Hội nghị ASEM đồng hành động với biến đổi khí hậu
Hội nghị ASEM lần này do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP.Cần Thơ phối hợp tổ chức.
Đây là sáng kiến chung của 8 nền kinh tế thành viên ASEM, gồm: Việt Nam, Australia, Bỉ, Đan Mạch, Myanmar, Phần Lan, Hà Lan và Italy, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 (Myanmar, 11/2017)
Hội nghị thể hiện vai trò tiên phong của ASEM trong đóng góp vào nỗ lực quốc tế hiện thực hóa các cam kết về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thúc đẩy đối thoại và hợp tác Á - Âu về ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững, tăng cường quan hệ đối tác nhiều bên - nhân tố quan trọng cho triển khai thành công Chương trình nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris. Hội nghị lần này cũng sẽ hỗ trợ thiết thực các thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, trong tiếp cận tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Hội nghị tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp ứng phó BĐKH, chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp, ứng phó BĐKH trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu thích ứng với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh, đề xuất tăng cường hợp tác Á – Âu vì phát triển bền vững, cụ thể:
+ Phiên thứ nhất: Phát triển trong bối cảnh BĐKH – Gắn kết giữa hành động ứng phó BĐKH với các mục tiêu phát triển bền vững.
+ Phiên thứ hai: Xây dựng năng lực thích ứng BĐKH.
+ Phiên thứ ba: Hành động ứng phó BĐKH.
+ Phiên thứ tư: Định hướng tương lai: Thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á – Âu vì phát triển bền vững.
Ngoài ra, còn hoạt động triển lãm bên lề về ứng phó BĐKH và tham quan thực tế tại địa phương…
Tại Việt Nam Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH, xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho các vùng của Việt Nam đến 2050 và xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia. Các chính sách ứng phó với BĐKH của Việt Nam có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà tài trợ và các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này.
Hiện tượng sạt lở đang diễn ra đồng loạt ở các tỉnh ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Toàn vùng hiện có tới 406 điểm sạt lở, dài 891km. Chỉ riêng tỉnh Cà Mau, mỗi năm, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bờ biển tỉnh này bị sạt lở khoảng 450ha. Trong đó, nhiều đoạn sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến 100.000ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân. Nghiêm trọng hơn, những năm gần đây, ĐBSCL gần như không có lũ. Từ cuối năm 2015 đến nay, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiếu nước khoảng 210.000ha, khoảng 250.000 hộ gia đình với hơn 1,3 triệu người thiếu nước sinh hoạt; trung bình vùng ĐBSCL đã bị tụt giảm lượng nước ngầm xuống 15m…
Nguyễn Hiền