Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan: Họp mặt cựu sinh viên, tri ân thầy cô
Toàn cảnh buổi lễ
Ông Phạm Khôi Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ba Lan; Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan và hơn 100 cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh đã từng học tập, nghiên cứu, thực tập tại Ba Lan đã đến dự lễ kỷ niệm và giao lưu gặp mặt.
Về phía Ba Lan có: ông Wojciech Gerwel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ba Lan và các cán bộ Đại sứ quán Ba Lan; GS. TSKH Tadeusz Słomka - Hiệu Trưởng Học viện Khoa học và Công nghệ AGH Kraków (AGH-UST) và 8 thầy cô giáo của Học viện.
Chào mừng đón đoàn đại biểu của Học Viện AGH do Hiệu trưởng Tadeusz Slomka dẫn đầu đến thăm Việt Nam, Chủ tịch Phạm Khôi Nguyên, Trưởng ban liên lạc khóa 1968, ôn lại quá trình lên đường đến Ba Lan học tập và những kỷ niệm không thể quên của đời sinh viên trong những năm tháng học tập tại đất nước Ba Lan tươi đẹp, thân ái và mến khách.
Ông cũng bày tỏ tình cảm biết ơn vô hạn các Trường đại học, Viện nghiên cứu, Trường dạy nghề, cơ sở sản xuất… và người dân Ba Lan đã giúp đỡ các lớp thanh niên Việt Nam đã đến Ba Lan học tập, nghiên cứu, rèn luyện tay nghề trong những thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ trước trong giai đoạn chiến tranh giải phóng dân tộc.
Những người Việt Nam đã từng gắn bó với đất nước Ba Lan và đặc biệt là những cựu sinh viên, luôn trân trọng và nhớ ơn sự giúp đỡ qúy báu của nhân dân Ba Lan đối với nhân dân Việt Nam và luôn coi Ba Lan là Tổ quốc thứ hai.
Ông Phạm Khôi Nguyên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ba Lan, phát biểu khai mạc buổi lễ.
Đại sứ Wojciech Gerwel đánh giá cao các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan và các Ban Liên lạc Cựu sinh viên đã làm sâu sắc thêm và góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống và phát triển sự hợp tác giữa hai dân tộc Ba Lan và Việt Nam; đồng thời hi vọng Hội sẽ có nhiều hoạt động phong phú trong giai đoạn mới.
GS. TSKH Tadeusz Słomka bày tỏ vui mừng, xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt của những cựu lưu học sinh Việt Nam, những người bạn thân thiết của Ba Lan, những người đã chọn Ba Lan để bắt đầu sự nghiệp học tập, làm việc của mình.
Cảm ơn các cựu lưu học sinh Việt Nam tiếp tục dành tình cảm cho đất nước Ba Lan sau nhiều năm xa cách, ông Tadeusz Słomka chia sẻ rằng ông và các thành viên trong đoàn rất phấn khởi khi tận mắt chứng kiến sự phát triển của Việt Nam ngày nay.
Thành lập năm 1919, Học Viện Mỏ - Luyện kim AGH, Krakow (tên giao dịch quốc tế là Học viện Khoa học và Công nghệ AGH, Krakow) hiện nay là Trường đại học đa ngành có 16 khoa đào tạo Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học và là một trong những trường đại học tốt nhất của Ba Lan và châu Âu.
Trong 60 năm vừa qua, Học Viện AGH đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 300 cán bộ khoa học – kỹ thuật thuộc nhiều lĩnh vực thăm dò – khai thác tài nguyên khoáng sản, cơ khí, công nghệ vật liệu, luyện kim, dầu khí, môi trường, công nghệ thông tin, điện dân dụng, điện mỏ, kinh tế…có thể nói là đội ngũ cán bộ khoa học do Học Viện AGH đào tạo đã có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Nhiều người trưởng thành trong công việc và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, Tập đoàn công nghiệp, Hiệu trưởng các Trường Đại học, cơ quan nghiên cứu khoa học…
Đại diện Học Viện AGH trao Học bạ vàng cho hơn 50 cựu sinh viên Việt Nam.
Trong năm 2019 tới đây, Học Viện AGH sẽ kỷ niệm trọng thể 100 ngày thành lập. Nhân dịp này, Học Viện AGH cũng đã trao Học bạ vàng cho các cựu sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp tại Học viện 50 năm trước.
Kể từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu, cơ khí. Sau khi tốt nghiệp về nước, nhiều người được phân công làm việc ở các địa phương trên mọi miền của Tổ quốc từ vùng núi Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, vùng mỏ Quảng Ninh, tại các dàn khoan dầu trên biển Đông, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, khu vực miền Trung, miền Nam…Mối liên hệ với nhau thường bị gián đoạn do nhiều hoàn cảnh của cuộc sống.
Từ hơn một năm nay, Ban liên lạc khóa 1968 đã tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày đến Ba Lan học tập thông qua việc kết nối, lên danh sách anh chị em Đoàn Lưu học sinh khóa 1968 hiện đang sinh sống trên mọi miền của đất nước.
Đồng thời xây dựng nội dung các hoạt động liên quan trong đó có việc tổ chức đoàn trở lại thăm Ba Lan sau 50 năm xa cách. Với quyết tâm của Ban Liên lạc và sự hỗ trợ nhiệt tình của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ quý báu của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua gần 30 cựu sinh viên đã có chuyến thăm lại Ba Lan, thăm lại mái trường xưa với nhiều cảm xúc.
M.A