Học tập trực tuyến trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực
Học trực tuyến cần được xác định là xu hướng tất yếu, lâu dài Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. |
Quan hệ bền chặt Việt-Pháp được củng cố ngay trong thời điểm khó khăn Bà Stéphanie Đỗ, Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Pháp, khẳng định mối quan hệ mọi mặt giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt là giữa hai cơ quan lập pháp, là một mối liên kết rất mạnh mẽ. |
Tại phiên họp, các đại biểu: Nàng Xô Vi (Kon Tum), Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long); Trần Văn Tuấn (Bắc Giang); Hoàng Văn Liên (Long An);... chất vấn các nội dung: Giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dạy và học theo hình thức đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc; Giải pháp chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch; bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho học sinh, giáo viên, chất lượng dạy và học do tác động của dịch bệnh; trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sinh viên ra trường không tìm được việc làm; quan điểm của Bộ trưởng về dạy học trực tuyến, học qua truyền hình cho học sinh lớp 1;...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Ngữ Văn trong việc hình thành nhân cách, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ Văn theo văn mẫu. Bởi vì, việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thực, chân thành của người học.
Ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện... để giải quyết vấn đề này.
Về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã phải ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc dạy thêm trực tuyến cần được lên án.
Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09 có quy định cụ thể về dạy và học trực tuyến, số giờ được dạy ở các cấp, các lớp.
Ông đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để tích cực ngăn chặn việc này.
Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Việc học tập trực tuyến trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đã gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực
Báo cáo Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Theo Bộ trưởng: “Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết...”
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu!
Ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Khắc phục hậu quả không phải một sớm một chiều
Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập. Kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi, nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều.
Ngành giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có điều đã nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài chưa đo đếm được. Đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, tình cảm cậu học sinh.
Bộ trưởng bày tỏ: “Trong sự chuyển trạng thái và ứng phó với dịch bệnh vừa qua, thật cảm động khi ngành giáo dục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, được toàn thể xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể chăm lo chung tay hỗ trợ.
Thay mặt cho trên 1,5 triệu giáo viên và người lao động cùng 24 triệu học sinh, sinh viên, tôi xin được trân trọng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc”.
Bộ trưởng cảm ơn Quốc hội đã chọn lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các chủ đề mang tính thời sự để tiến hành chất vấn trong kỳ họp này. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của các đại biểu Quốc hội tới giáo dục, sự chia sẻ với ngành và tạo cơ hội để cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện báo cáo giải trình về việc thực thi trách nhiệm.
Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, những người tiêu biểu cho trí tuệ và trách nhiệm với đất nước và nhân dân, những người đã được lắng nghe ý kiến của cử tri sâu sát thực tế đưa ra chất vấn hôm nay, chắc chắn sẽ giúp cho ngành giáo dục và đào tạo thấy rõ hơn, rõ thêm những việc cần làm để Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt hơn nhiệm vụ vinh quang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ giải trình, làm rõ các nội dung về: Bảo đảm chất lượng dạy - học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19.
Công tác dạy - học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh.
Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học. Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh.
Ở nhóm vấn đề trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thành viên Chính phủ liên quan sẽ có thêm 50 phút để tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba.
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về bảo đảm chất lượng dạy - học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19,... Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dự kiến còn có thể kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Không tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đối với cấp học mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học; điều chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tập trung dạy và học nội dung cốt lõi các môn học trong điều kiện phòng, chống COVID-19; hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp...
Tuy nhiên, các cấp học vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Đối với giáo dục mầm non, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ; nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.
Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non. Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển.
Đối với giáo dục phổ thông, học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu thiết bị để học tập trực tuyến, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phủ hết tiến trình bài học chương trình các môn học.
Bên cạnh đó, tổ chuyên môn và các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về thời gian và con người trong xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn học mới có nội dung tích hợp, liên môn, có hiện tượng cắt ngang chương trình môn học để dạy song song; nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình...
Đối với giáo dục đại học, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hiện vẫn còn 20 cơ sở đào tạo vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành hết bài đánh giá kết thúc năm học, chủ yếu thuộc các khối trường văn hóa nghệ thuật, trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa tổ chức được công tác tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Hệ thống đào tạo trực tuyến ở các cơ sở GDĐH chưa được phát triển đầy đủ, nhiều trường còn hạn chế. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các chương trình đào tạo yêu cầu nhiều thời gian thực hành, thực tập để trang bị các kỹ năng nghề nghiệp./.
Chi 3.500 tỷ đồng hỗ trợ học sinh mua máy tính học trực tuyến Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc chi khoảng 3.500 tỷ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học online. |
Học sinh Cà Mau có thêm phương án học trực tuyến linh hoạt Chiều 27/9, VNPT Cà Mau đã tổ chức Lễ ra mắt kênh truyền hình MyTV hỗ trợ dạy và học trực tuyến do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Cà Mau phối hợp với VNPT thực hiện. |
Hà Nội duy trì học trực tuyến, tiêm vaccine cho 100% giáo viên Theo văn bản chỉ đạo mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học và đơn vị trên địa bàn tiếp tục duy trì việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến; tiêm vaccine cho 100% cán bộ, giáo viên… |