Hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XIV: Tập trung vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. |
Đổi mới phương thức hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo
Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày tại Hội nghị đã khẳng định, nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban thường xuyên bám sát các nhiệm vụ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.
Trong đó, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Đối ngoại đã trình Quốc hội thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam ở nước ngoài tại Kỳ họp thứ 4, được 100% Đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành; chủ trì thẩm tra trình Quốc hội thông qua dự án Luật Thỏa thuận quốc tế tại kỳ họp thứ 10 với tỷ lệ 99,56% Đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.
Uỷ ban Đối ngoại tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại song phương bảo đảm đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phát huy tốt các lợi thế của kênh ngoại giao nghị viện trong tổng thể công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước; tiếp tục ưu tiên các đối tác có quan hệ đặc biệt, các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, đối tác truyền thống để tăng cường hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội các nước. Nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tham mưu, tổ chức tốt công tác phục vụ 98 đoàn thăm chính thức, thăm làm việc song phương tại các nước, trong đó có 14 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 26 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội; cơ bản triển khai theo đúng Chương trình đối ngoại hằng năm của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.
Nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Đối ngoại cũng tổ chức và phối hợp triển khai đón tiếp 97 đoàn nghị viện các nước đến thăm và làm việc với Quốc hội Việt Nam, trong đó 26 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội và 13 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội.
Về hoạt động đối ngoại đa phương, Ủy ban Đối ngoại tham mưu 81 lượt tham gia các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế của các Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam; đăng cai tổ chức 13 hội nghị liên nghị viện như: Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu (MSEAP), Hội nghị đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Hội đồng nghị viện châu Á (APA) và nhiều diễn đàn chuyên đề khác. Thông qua những hoạt động này, Quốc hội Việt Nam đã góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, đóng góp vào sự phát triển của ngoại giao nghị viện; giới thiệu về đất nước Việt Nam đổi mới, Quốc hội Việt Nam tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển…
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định, có được kết quả này, Ủy ban đã quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội; sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đổi mới phương thức hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động của Ủy ban và của Thường trực Ủy ban; sự phối hợp đồng bộ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai các hoạt động đối ngoại.
Tiếp nối thành công của nhiệm kỳ Khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kiến nghị trong nhiệm kỳ Khóa XV, Ủy ban Đối ngoại tiếp tục triển khai các hoạt động, nhiệm vụ theo định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các quan hệ song phương giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước, nâng cao tính hiệu quả, tính thực chất, chiều sâu trong quan hệ với các đối tác, đặc biệt là những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.
Đồng thời, nâng tầm đa phương liên nghị viện thông qua việc phát huy tối đa vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương với 2 mục tiêu: Khai thác tốt các cơ chế đa phương để phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc, giúp bạn bè quốc tế hiểu đầy đủ hơn về Việt Nam và ủng hộ các chủ trương, chính sách, lập trường của Việt Nam xung quanh vấn đề lợi ích: chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia, tôn giáo, nhân quyền, người Việt ở nước ngoài, môi trường, an ninh phi truyền thống...
Khẳng định hình ảnh Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV, một số đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về các kết quả hoạt động của Ủy ban Đối ngoại khóa XIV, đồng thời kiến nghị một số giải pháp tiếp tục phát huy kết quả trong nhiệm kỳ Khóa XV. Trong đó, các ý kiến phát biểu đều khẳng định hoạt động đối ngoại Quốc hội là một bộ phận hữu cơ, thiết yếu trong đối ngoại Đảng và Nhà nước, đặt ra sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã hoàn thành tốt các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến đối ngoại.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, việc đẩy mạnh các hoạt động của Quốc hội đã thực sự góp phần đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước láng giềng và bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc Quốc hội thông qua các Luật quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại đã góp phần tạo khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, việc bổ nhiệm đại sứ, bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đối ngoại của Nhà nước ta.
Các ý kiến phát biểu cũng bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ Khóa XV, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, ghi dấu thêm những thành tựu mới của ngoại giao nghị viện, khẳng định hình ảnh Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối ngoại của Quốc hội trở thành bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực biến động sâu sắc, bất ổn và khó lường, cạnh tranh nước lớn diễn ra phức tạp, ngày càng quyết liệt hơn về tính chất, mức độ và mở rộng hơn về phạm vi, lĩnh vực. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 bùng phát, tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường với mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Trước bối cảnh đó, công tác đối ngoại Quốc hội đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, phương châm, quan điểm chỉ đạo về đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV tập trung tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực; trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện với các nước trên thế giới; thúc đẩy sự ủng hộ của các nghị viện trong quan hệ song phương cũng như các cơ chế hợp tác đa phương, các vấn đề khu vực và quốc tế. phát huy tốt các lợi thế của kênh ngoại giao nghị viện trong tổng thể công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, nói đến những thành tựu trong công tác đối ngoại của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV, không thể không kể đến những dấu ấn nổi bật như tổ chức thành công Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 lần đầu tiên dưới hình thức trực tuyến; đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26); phối hợp với IPU tổ chức thành công Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”. Việc Quốc hội Việt Nam chủ trì, tổ chức thành công nhiều hội nghị, diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới để lại ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Trên kênh ngoại giao nghị viện, Quốc hội Việt Nam đã làm rất tốt việc củng cố và tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước bạn truyền thống, các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện như: Lào, Cu Ba, Campuchia; Trung Quốc, Nga, Mỹ, EP, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á khác.
Sau khi nhắc lại những kết quả nổi bật trong các mặt công tác mà Ủy ban Đối ngoại đã thực hiện trong nhiệm kỳ, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá: Với tất cả sự khiêm tốn nhất, chúng ta có niềm tự hào về tinh thần trách nhiệm, về công tác tham mưu, đề xuất ý kiến sắc sảo, về trách nhiệm thẩm tra để góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công cuộc hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế của nước ta; đưa hoạt động đối ngoại của Quốc hội trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý về tính chuyên nghiệp, về công tác phối hợp, giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, về sự trưởng thành của cán bộ.