Hòa Bình: Khắc phục ảnh hưởng do mưa bão hay khai thác đất bán cho nhà máy gạch?
Nhận được phản ánh của người dân xóm Lý Hưng, xã Lạc Hưng huyện Yên Thủy (Hòa Bình) về hoạt động khai thác đất sét đồi quy mô lớn để đem vào nhà máy gạch, gây ảnh hưởng đến môi trường, giao thông trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và tuyến Quốc Lộ 12 B, phóng viên Báo Thời Đại đã có mặt tại khu vực nói trên.
Theo ghi nhận tại hiện trường: có hai máy xúc công xuất lớn cùng hàng chục xe tải ben đang nối đuôi nhau chờ lấy đất. Theo sau chiếc xe ben BKS 29C – 593.30 mang logo (33), sau khi múc đầy đất trên thùng xe, chiếc xe này di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh với tốc cao rồi rẽ vào Quốc lộ 12B và đổ đất vào khu vực bãi chứa của một nhà máy gạch trên địa bàn xã Phú Thành (huyện Lạc Thủy).
2 máy xúc công suất lớn đang ngày đêm “khoét” đất bán cho nhà máy gạch
Quãng đường dài hơn 12km, chiếc xe tải nói trên chở đầy đất, chỉ phủ bạt cánh, trong quá trình di chuyển đất vương vãi đầy đường mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý.
Một số người dân sống gần đó cho biết: “Họ múc đất được khoảng hơn chục hôm nay rồi, khoảng mấy ngày nay thì họ bắt đầu mang sang nhà máy gạch, có khoảng hơn 10 xe, mỗi ngày một xe chạy được khoảng trên dưới 10 chuyến”.
Xe chở đất che chắn sơ sài
Qua tìm hiểu của Pv chiếc xe mang BKS 29C – 593.30 có thể chở được 15 m3 đất, giá trị bán tại nhà máy gạch là 30.000 VNĐ/m3 đất, vậy mỗi xe đất sẽ bán được 450.000 VNĐ, nếu theo người dân phán ánh có khoảng 10 xe chạy, mỗi xe chạy được trên dưới 10 chuyến thì mỗi ngày những đối tượng nói trên thu lợi khoảng 45.000.000 VNĐ.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Lạc Hưng cho biết: “Chỗ các xe khai thác đất là khu vực đang khắc phục sạt lở của đường điện, có văn bản của lãnh đạo UBND huyện hạ độ cao để đấu 2 cột ở hai bên vào, đất này họ mang ra một số các vị trí ở chỗ giáp ranh để đổ thôi. Phía xã đã làm việc với gia đình, chưa cấp phép thì không cho làm, việc không có phương án thi công mà mang ra ngoài là không đúng, xã đã làm văn bản báo cáo huyện để làm thủ tục cấp phép theo quy định và cũng có làm biên bản đình chỉ việc khai thác của hộ này.”.
“Khu vực này của gia đình nhà ông Nhiêm là đất nông nghiệp, trước chúng tôi đã làm văn bản đình chỉ rồi nhưng họ không ký, họ vẫn tiếp tục thì chúng tôi phải phối hợp với huyện, việc xử lý vẫn phải chờ ý kiến của UBND huyện”. Ông Hồng cho biết thêm.
UBND xã Lạc Hưng ra Thông báo đình chỉ việc san lấp, khai thác đất nông nghiệp trái phép đối với hộ gia đình ông Bùi Văn Nhiêm
Làm việc với PV về vấn đề trên, ông Hồ Văn Thanh - Giám đốc Điện Lực Yên thủy, cho biết: “Vừa rồi do ảnh hưởng của mưa bão nên gây ra tình trạng sạt lở, nhận thấy mất an toàn lưới điện nên chúng tôi đã làm văn bản đề nghị sang UBND huyện Yên Thủy để xin khắc phục sự cố”.
“Hiện tại phía gia đình ông Nhiêm xin được hạ thấp mặt 2 chân cột tại điểm bị sạt lở, phía Điện Lực không thi công”. Ông Thanh cho biết thêm.
Cụ thể, ngày 30/10/2017 Điện Lực Yên Thủy đã có văn bản số 330/ĐN – ĐLYT gửi UBND huyện Yên Thủy về việc phối hợp, khắc phục thiệt hại do mưa bão, lốc xoáy, lũ lụt, gây ra trên địa bàn huyện từ ngày 09 đến ngày 13/10/2017 nêu rõ: “Tại vị trí cột 95-25 thuộc đường dây 35 KV lộ 371 trạm cắt Hàng Trạm (Mạch Vọng - Lạc Thủy – Yên Thủy), vị trí này ảnh hưởng đến nhà ông Bùi Văn Nhiêm xóm Lý Hưng – xã Lạc Hưng. Phương án khắc phục di chuyển cột từ trên đồi xuống dưới, múc đất, san ủi để đảm bảo cao trình cho đường dây”.
Tiếp đó, ngày 9/11/2017 UBND huyện Yên Thủy đã có văn bản số 635/UBND – KT&HT của về khắc phục ảnh hưởng do mưa lũ gây ra đối với công trình lưới điện trên địa bàn huyện đã nêu. Sau khi xem xét các văn bản của đề nghị của điện lực và báo cáo của Phòng Kinh tế và hạ tầng, UBND huyện có ý kiến như sau: “Giao cho Điện lực Yên Thủy chủ động UBND dân các xã, thị trấn và phối hợp với các hộ gia đình san gạt hạ thấp độ cao tại các vị trí cây cột điện để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện”.
Ngoài ra UBND huyện còn giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giám sát các hộ dân trong quá trình san, ủi, vận chuyển đất tại 2 địa điểm nói trên.
Như vậy, tính từ khi mưa bão dẫn đến nay đã là hơn 2 tháng trôi qua, mà việc khắc phục sạt lở vẫn diễn ra “ì ạch”, ngược lại hoạt động khai thác đất bán vào nhà máy gạch để kiếm lời lại diễn ra “sôi nổi”.
Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình sớm vào cuộc để làm rõ vấn đề trên cũng như làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên khai thác đất trái phép.
Minh Chuyên