Hỗ trợ học nghề, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Bảo đảm quyền của người khuyết tật và người cao tuổi Về cơ bản pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm bảo đảm quyền của người khuyết tật và người cao tuổi. |
Chàng trai "xương thủy tinh" phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới Một chàng trai 19 tuổi mắc căn bệnh "xương thủy tinh" đã chinh phục kỷ lục thế giới với thành tích nâng hai chân trên không trung suốt 120 phút. |
Trong số 6,4 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có hơn 31% có khả năng lao động. Riêng tại Hà Nội, có hơn 109.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 người khuyết tật đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng thanh niên khuyết tật và người khuyết tật còn khả năng lao động.
Để giải quyết khó khăn về việc làm cho người khuyết tật, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đồng thời vận động các doanh nghiệp tiếp nhận lao động khuyết tật, đào tạo nghề và tạo việc làm, giúp họ tự chủ cuộc sống.
Tại các phiên giao dịch việc làm lồng ghép có đối tượng người khuyết tật, Hội chợ việc làm dành cho thanh niên khuyết tật cho thấy, rất đông người khuyết tật mong muốn được tìm công việc phù hợp để có thu nhập, nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng.
“Lần trước cháu đi học nghề may nhưng tay cháu run không làm được, cháu đến Trung tâm tìm việc làm mong được tư vấn tìm việc làm phù hợp với sức khỏe của cháu”, Nguyễn Thị Oanh, 26 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm nói.
Người lao động tìm việc làm và được tư vấn học nghề tại Phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật. |
“Tôi đến đây mong muốn tìm được cơ hội, việc làm phù hợp với bản thân mình. Tôi được tư vấn và chọn được công việc chăm sóc khách hàng và marketing, mong được họ đào tạo thêm cho mình. Những người khuyết tật cũng rất mong muốn tìm được một công việc phù hợp để tự lo cho bản thân và vui hơn trong cuộc sống”, anh Trần Văn Tường, 35 tuổi, ở huyện Thường Tín, bị khuyết tật vận động mong muốn được tư vấn, học nghề giản đơn để có thể tìm được việc làm, giảm bớt khó khăn cho gia đình.
Người khuyết tật trong độ tuổi lao động mong muốn tìm việc làm nhưng nhiều doanh nghiệp lại e dè vì khi nhận người khuyết tật phải cải tạo nơi làm việc, đường đi… để phù hợp với họ.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art nêu thực tế, những doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ sẽ hiểu và ưu tiên nhận người khuyết tật vào làm việc hơn là những doanh nghiệp bình thường nhưng họ chỉ là những doanh nghiệp nhỏ số người khuyết tật được giải quyết việc làm rất khiêm tốn.
“Cá nhân tôi cho rằng chúng ta đang mò mẫm con đường để tạo việc làm cho người khuyết tật, tức là chúng ta chưa biết nghề gì phù hợp với họ. Dạy nghề cho họ cần một định hướng nghề nào đó để phù hợp hơn với họ.Tôi nghĩ rằng tất cả những người khuyết tật như chúng tôi khởi nghiệp thì đều hướng đến làm việc gì đó cho người khuyết tật một cách tốt nhất dưới sự hỗ trợ của cộng đồng, chính quyền, các luật cũng phải kết nối với nhau để làm sao đào tạo nghề cho họ và giải quyết việc làm cho họ nó đồng bộ, hiệu quả nhất”, ông Cường cho hay.
Nhằm giải quyết việc làm cho người khuyết tật có khả năng lao động, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các chương trình kết nối và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho người khuyết tật trong đó ưu tiên thanh niên khuyết tật độ tuổi 18 - 35. Thông qua những nguồn hỗ trợ từ các tổ chức tài trợ nước ngoài, 3 năm qua, Hội người khuyết tật Hà Nội đã kết nối tạo việc làm cho trên 600 người khuyết tật vào làm việc tại các công ty, hợp tác xã, trung tâm đào tạo dạy nghề do người khuyết tật khởi nghiệp và điều hành quản lý; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho những người khuyết tật 4 phiên/năm để giúp lao động người khuyết tật tìm được việc làm có thu nhập, tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng.
“Thông qua các phiên giao dịch việc làm này để người khuyết tật có thể tìm kiếm được các vị trí việc làm, tìm kiếm được những nơi đào tạo nghề phù hợp, sau khi đào tạo xong thì có thể tìm được việc làm, có được thu nhập ổn định cuộc sống. Thông qua các phiên giao dịch việc làm này thì chúng tôi cũng muốn cung cấp được đầy đủ nhất về thông tin thị trường lao động đến người lao động, đặc biệt là người lao động khuyết tật, sẽ có thể tiếp cận những vị trí việc làm cụ thể, phù hợp”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù có những thành tựu quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội, vì vậy chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.
Hỗ trợ học nghề, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật |
Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam khẳng định, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhưng các công ty lại không mặn mà vì thiếu những cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc...
Thời gian tới, Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tăng cường rà soát các chính sách để có thể hỗ trợ lao động là người khuyết tật ngày càng tốt hơn, như chính sách ưu đãi về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người khuyết tật, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với người khuyết tật, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho người khuyết tật...
“Trong quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2030, những người khuyết tật có sinh kế không ổn định đã được đưa vào đối tượng ở chương trình này. Đó là một thuận lợi để chúng ta tiếp tục đề xuất các chính sách, bám theo các chính sách hiện có và trong thời gian tới thì tiếp tục nghiên cứu, rà soát các khoảng trống của các chính sách,luật pháp, tiếp tục hoàn thiện làm sao người khuyết tật có chính sách tốt nhất, thực hiện các mô hình hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế cho người khuyết tật theo các tổ chức, nhóm hội để người khuyết tật có sinh kế bền vững hơn”, bà Đinh Thị Thụy cho hay.
Giải quyết việc làm cho người khuyết tật rất cần vào các chính sách xã hội, các Hội người khuyết tật, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng như sự tham gia nhiệt tình từ phía doanh nghiệp. Về phía người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”./.