Hò Cần Thơ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Trước đó, UBND thành phố Cần Thơ đã tổ chức rà soát, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Hò Cần Thơ; đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Viện văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), Hò Cần Thơ là một trong những làn điệu dân ca độc đáo được sản sinh ra trong hoạt động lao động sản xuất, chuyển tải nội dung trữ tình, phản ánh tâm tư tình cảm của người nông dân, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Hò Cần Thơ bao gồm: hò mái dài, hò cấy và hò huê tình. Các điệu hò này mang những đặc trưng tiêu biểu của hò Nam bộ nhưng cũng có những nét đặc trưng riêng bộc lộ trong cách lấy hơi, ngân hơi, hoặc trong lời kể có ý tứ độc đáo, trữ tình, mang hơi hướng của con người Cần Thơ.
Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các điệu hò còn lưu truyền đến nay ở Cần Thơ vẫn mang đậm dấu ấn của cuộc sống lao động của người dân miền sông nước.
Cũng theo VICAS, các điệu hò còn lưu truyền đến nay ở Cần Thơ vẫn mang đậm dấu ấn của cuộc sống lao động của người dân trên một vùng quê đồng rộng, sông dài, phản ánh những tình cảm suy nghĩ rất bình dị, mộc mạc nhưng lại giàu tình nghĩa, nhân đạo, và cũng không kém phần duyên dáng, dễ thương. Những điệu hò ấy đã khắc sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ người Cần Thơ, thành một trong những nguồn mạch nuôi lớn tình cảm, tạo thành nhân cách, góp phần tạo nên nền tảng văn hóa truyền thống của người Cần Thơ, cũng như đặc trưng văn hóa cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua thống kê, hiện nay trên cả nước có 288 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng TP Cần Thơ có 4 di sản được công bố, bao gồm: Đờn ca tài tử, Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy và Hò Cần Thơ.
Hà Vy