Hiệp định Paris: Chiến thắng vĩ đại của Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới
Trong chương trình Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 - Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, các đại biểu quốc tế, những nhân chứng lịch sử đã cùng ôn lại những kỷ niệm về tình đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới đối với Việt Nam và rút ra những bài học cho thúc đẩy đoàn kết quốc tế trong bối cảnh mới.
Chương trình Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris - Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai |
Bà Helen Luc - nguyên Thượng nghị sỹ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sỹ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt:
Sát cánh cùng Việt Nam, đấu tranh cho hòa bình
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chính phủ Mỹ đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Đây là thời điểm các đoàn đàm phán của Việt Nam tới Paris. Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đầu dự định ở khách Lutetia tại Paris một tuần. Tuy nhiên, chi phí khách sạn rất đắt đỏ. Vì thế, Đảng Cộng sản Pháp đứng ra thu xếp chỗ ở cho đoàn. Chúng tôi bố trí chỗ ở cho đoàn tại trường Đảng ở thành phố Choisy le Roi. Đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Bình ở tại Verrières le Buisson.
Thị trưởng thành phố Choisy le Roi, và Phó thị trưởng lúc đó – ông Louis Luc, là chồng của tôi, đã trực tiếp đón đoàn đàm phán của Việt Nam trong những điều kiện tốt nhất. Tôi lúc đó là ủy viên của hội đồng thành phố, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tại Đảng bộ của thành phố Choisy le Roi. Khi đoàn đến, chúng tôi đã dành những tình cảm hữu nghị và đoàn kết với đoàn.
Bà Helen Luc - nguyên Thượng nghị sỹ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sỹ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt (Ảnh: Thu Hà). |
Lúc này ở Pháp đang sục sôi không khí phản đối chiến tranh (chúng tôi gọi là sự kiện tháng 5 năm 68). Dưới chân tháp Eiffeil, đông đảo công nhân và sinh viên cùng hô vang “Ho, Ho, Hồ Chí Minh”. Chúng tôi huy động rất nhiều người đến hỗ trợ, ủng hộ đoàn và cũng tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình đoàn kết. Nhiều chính khách của Pháp đã tham gia vào đoàn biểu tình và đến gặp đoàn đại biểu đàm phán của Việt Nam trong đó có Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp Charles Fourniau... Tại Choisy le Roi chúng tôi đã huy động rất nhiều tình nguyện viên để đoàn không thiếu thốn về mặt vật chất, và đặc biệt để đảm bảo an ninh cho đoàn. Chúng tôi cũng đã sắp xếp các phương tiện liên lạc để đoàn có thể trực tiếp điện đàm và liên lạc bằng điện tín từ Choisy le Roi về Hà Nội. Bởi trong quá trình đàm phán, thông tin liên lạc rất quan trọng. Các hoạt động đã cho thấy đoàn đại biểu của Việt Nam có được sự ủng hộ không chỉ của Pháp mà còn của cả châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới.
Việt Nam mong muốn chọn Paris là nơi tiến hành đàm phán trong khi phía Mỹ lại muốn chọn một thành phố trung lập hơn. Tướng De Gaulle lúc đó đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam, ủng hộ Việt Nam chọn Paris để tiến hành đàm phán về hòa bình. Ông nói đàm phán ở Paris sẽ có sự ủng hộ lớn hơn, vì nhân dân Pháp đã ủng hộ đấu tranh từ lâu cho hòa bình tại Việt Nam và rất may đàm phán đã diễn ra tại Paris. Tướng De Gaulle cũng đã có chỉ thị để bố trí cho đoàn chỗ ở, đi lại, Bộ trưởng Ngoại giao của Pháp lúc bấy giờ là Maurice Schuman đã có đóng góp cá nhân vào những nỗ lực của ngoại giao Việt Nam với ý tưởng là nước Pháp sẽ hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp chính thức cũng như các cuộc bí mật giữa Lê Đức Thọ và Kissinger tại một biệt thự trên phố Darthe, thành phố Choisy le Roi.
Chúng tôi có 80 tình nguyện viên tại Choisy le Roi để giúp đỡ đoàn đàm phán của Việt Nam. Tôi nhớ mãi câu chuyện bà Nguyễn Thị Bình kể rằng, một hôm xe của Mặt trận dân tộc giải phóng đi trên đường cao tốc của Pháp bị gió thổi bay đi. Ngay trên đường cao tốc lái xe đã dừng lại để tìm lại lá cờ vì đây là biểu tượng rất quan trọng. Mọi người đều biết rằng dừng xe giữa đường, đặc biệt là đường cao tốc rất nguy hiểm nhưng đối với những người lái xe của Đảng Cộng sản Pháp lúc đó là một điều rất quan trọng.
Khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tôi đã rất vui mừng vì đây là thông tin tuyệt vời. Đó là niềm vinh quang rất lớn đối với những người trực tiếp tham gia đoàn đàm phán cũng như của cả dân tộc Việt Nam. Đây là chiến thắng lớn. Pháp có một món nợ lớn đối với Việt Nam vì vậy tôi cho rằng chúng tôi cần phải làm mọi thứ, mọi điều để Việt Nam có thể được tái thiết sau khi hòa bình được lập lại.
Ông John Terzano - Sáng lập viên, nguyên Phó Chủ tịch VVA và VVAF:
Có một Việt Nam tử tế, độ lượng
Tôi may mắn và vinh dự được tham gia đoàn cựu binh đầu tiên trở lại Việt Nam năm 1981, đúng vào dịp kỷ niệm 9 năm trận Điện Biên Phủ trên không. Thời điểm này Việt Nam và Mỹ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Chuyến đi đã thay đổi nhận thức của tôi. Nếu như trước đây ký ức của tôi về Việt Nam đóng băng trong những hình ảnh về chiến tranh, thì ngày trở lại tôi đã được thấy một Việt Nam xinh đẹp, phát triển. Khi tản bộ quanh những con phố ở Hà Nội, có người dân Việt Nam đã hỏi tôi: Ông có phải cựu binh Mỹ không? Tôi đáp: Đúng. Tôi đã bất ngờ trước phản ứng của người Việt sau câu trả lời đó. Họ nói: Chào mừng các ông tới Việt Nam. Câu nói đó cho thấy tình hữu nghị, sự tử tế, độ lượng của người dân Việt Nam. Không thể ngờ họ chào đón chúng tôi như vậy dù đã có bao nhiêu tàn phá, chết chóc đã xảy ra.
Ông John Terzano (Ảnh: Thu Hà). |
Chúng tôi nhận ra, cuộc chiến này không thể làm tổn hại trái tim, khối óc của người Việt. Đất nước, con người Việt Nam vẫn tiếp tục tiến lên. Chúng tôi nhận ra dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm cho các bạn đồng ngũ, nhưng cũng cần phải hòa giải với Việt Nam. Chúng tôi vận động dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ hai nước. Người bạn thân thiết Bobby Muller và tôi đã làm việc hết mình ở thành phố Washington DC, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có chính sách, sự hỗ trợ đối với đối các cựu binh, đồng đội cũ của chúng tôi cũng như với những người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Chúng tôi vấp phải nhiều sự phản đối trong suốt những năm 80 và đầu 90, nhưng vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu hòa giải. Năm 1994, lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam được dỡ bỏ, khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/7/1995). Sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam, chúng tôi bắt đầu hỗ trợ một trung tâm phục hồi chức năng ở Hà Nội, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, nạn nhân bom mìn. Công việc đó vẫn được duy trì đến hiện nay.
Ông Rabid Deb- Tổ chức Nhân dân toàn Ấn Độ:
Kế thừa, phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết với nhân dân Việt Nam
Ông Rabid Deb- Tổ chức Nhân dân toàn Ấn Độ (Ảnh: Thu Hà). |
Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, thế giới dõi theo từng bước đi của Việt Nam và cuộc chiến chính nghĩa của một quốc gia nhỏ bé trước một cường quốc hùng mạnh. Kết quả, tinh thần đấu tranh của Việt Nam lan tỏa sang các quốc gia khác, đặc biệt là Ấn Độ, Đông Dương.
Chúng ta đã chứng kiến sự ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới đối với cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam nói chung và ký kết Hiệp định Paris 1973 nói riêng, trong đó có nhân dân Ấn Độ. Tháng 9/1960, phong trào phản đối chiến tranh diễn ra mạnh mẽ tại Ấn Độ. Dù chưa có Internet như thời điểm bây giờ nhưng những thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau được lan tỏa và truyền cảm hứng cho hàng triệu triệu người. Năm 1968, nhiều hoạt động cũng được tổ chức để ủng hộ Việt Nam. Không chỉ người dân, nhiều chính trị gia, luật sư tham gia phong trào này. Tháng 9 năm 1972, một cuộc diễu hành quy mô được tổ chức ở nhiều thành phố ở Ấn Độ để bày tỏ sự ủng hộ đoàn kết với Việt Nam. Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động đa dạng đoàn kết với nhân dân Việt Nam, thành lập phong trào giữa Ấn Độ-Việt Nam, Ấn Độ-Đông Dương. Tinh thần đó vẫn tiếp tục tồn tại và lan tỏa đến ngày nay. Chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để bày tỏ sự đoàn kết ủng hộ với Việt Nam, củng cố và phát triển hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa người dân Ấn Độ với người dân Việt Nam.
Ông John McAuliff - Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD):
Hiệp định Paris là động lực quan trọng cho phong trào hòa bình thế giới
Ông John McAuliff - Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) (Ảnh: Thu Hà). |
Tôi đã thăm Việt Nam nhiều lần nhưng lần này là dịp đặc biệt đánh dấu nửa thế kỷ một hiệp định lịch sử được ký kết. Hiệp định Paris tuy chưa phải là bước cuối cùng nhưng là bước tiến quan trọng, góp phần xây dựng lại hòa bình ở Việt Nam đồng thời là động lực to lớn cho phong trào hòa bình trên thế giới nói chung. Kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris là dịp để chúng ta nhìn lại phong trào phản chiến, thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam trong thế kỷ trước, là bước đầu dẫn đến những phong trào vì hòa bình ở Đông Dương.
Nhiều người có luận điệu rằng Việt Nam ở thế yếu, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Paris nhưng thực tế cho thấy, dù trải qua ném bom năm 1972, nhân dân Việt Nam vẫn đứng vững. Việt Nam mới là bên buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn đàm phán.
Hiệp định Paris được ký kết là động lực to lớn cho phong trào hòa bình trên thế giới nói chung. Sau hiệp định, chúng tôi cũng có nhiều hoạt động kêu gọi ủng hộ Việt Nam và các hoạt động hòa bình ở Đông Dương.
Ông Edre Olalia (Philippines), Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Quốc tế (IADL):
Bài học từ Hiệp định Paris có giá trị vận dụng trong hiện tại
Ông Edre Olalia (Philippines), Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Quốc tế (IADL) (Ảnh: Thu Hà). |
Lúc cao điểm cuộc chiến nước của các bạn, tôi chỉ là cậu bé 10 tuổi, nhưng tôi cũng nhớ được lúc bấy giờ, nhiều nhà hoạt động và tổ chức của Philippines đã lên tiếng đấu tranh phản đối chiến tranh tại Việt Nam.
Chúng tôi đã được truyền cảm hứng bởi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Hiệp định Paris có ý nghĩa thiết thực cho đến tận ngày nay và từ Hiệp định chúng ta có thể vận dụng sáng tạo nhiều bài học trong việc giải quyết các vấn đề hiện tại.
Ông Renato Darsiè, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Italia - Việt Nam tại vùng Veneto:
Đồng lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam
Thế hệ chúng tôi đến giờ vẫn thường xuyên ôn lại thời kỳ hào hùng ở Ý và châu Âu trong giai đoạn đấu tranh ủng hộ Việt Nam.
Ở vùng Veneto có quảng trường San Marco rất rộng với chiều dài 175m, rộng chiều rộng 82m. Đây là địa điểm tôi và các đảng viên khác tập hợp nhu yếu phẩm, hàng viện trợ cho Việt Nam. Sau đó, vào năm 1973 một con tàu chở nhu yếu phẩm đã cập cảng Hải Phòng của Việt Nam.
Ông Renato Darsiè, Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Italia - Việt Nam tại vùng Veneto (Ảnh: Thu Hà). |
Thành phố Venezia - thủ phủ vùng Veneto là địa điểm có nhiều tàu lớn các nước cập cảng nên được chọn để tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Những người ủng hộ Việt Nam nghĩ ra cách dùng các tàu nhỏ cắm cờ Việt Nam. Khi tàu lớn thấy thuyền nhỏ cắt ngang luồng chạy, nhưng trên thuyền có những thông điệp ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thay vì phẫn nộ họ đã chia sẻ, ủng hộ.
Chúng tôi đồng lòng kết nối các lực lượng ở châu Âu và Ý để tạo ra những thông điệp mạnh mẽ đoàn kết với Việt Nam.
Việt Nam đã trở thành nhân tố quan trọng, kết nối các lực lượng ở châu Âu truyền tải thông điệp về thế giới hòa bình. Khi Hiệp định Paris được ký vào ngày 27/1/1973, chúng tôi tập trung trên quảng trường Venezia ngay đêm hôm đó để chúc mừng Việt Nam.
Ông Phạm Văn Chương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á phi Mỹ La tinh:
Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Hiệp định Paris
Ông Phạm Văn Chương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á phi Mỹ La tinh (Ảnh: Thu Hà). |
Công tác thông tin tuyên truyền và đối ngoại nhân dân đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ tính chính nghĩa cuộc kháng chiến cứu nước của Việt Nam, thúc đẩy hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.
Thời gian đó, tôi vừa là đại biểu chính thức của thanh niên, sinh viên, vừa là phiên dịch cho nhiều đoàn của Việt Nam. Công việc thường xuyên phải di chuyển nhưng thuận lợi là được bạn bè các nước hết lòng giúp đỡ, chăm lo.
Tôi nhớ nhất là lần các bà mẹ Ấn Độ khi tiễn chúng tôi lên đường đã quàng lên cổ chúng tôi tiền và những quả chanh thay cho những vòng hoa. Tiền để phòng khi có việc cần dùng đến, quả chanh để khi khát nước còn có uống. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Hiệp định Paris. Đây được coi là chiến thắng vĩ đại không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.