Hệ thống công viên được hoàn thiện sẽ làm tươi mới diện mạo Hà Nội
- Thưa ông, việc triển khai công tác lập chủ trương đầu tư 3 công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ hiện đã được xúc tiến đến đâu?
- Sở Xây dựng được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 3 dự án Cải tạo, nâng cấp công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất từ tháng 02/2023.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng đã tổ chức triển khai lập Báo cáo đề xuất chủ trương 3 Dự án Cải tạo, nâng cấp 3 công viên. Ngày 31/5/2023, Sở Xây dựng đã có các Báo cáo kết quả thẩm định nội bộ và tờ trình kèm Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 3 công viên gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có thông báo kết quả thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống nhất. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến thẩm định của các sở, ngành, nêu lên một số tồn tại của hồ sơ cần tiếp tục hoàn thiện, giải trình, bổ sung.
Trên cơ sở Thông báo kết quả thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn thiện bổ sung Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 3 công viên.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Sở Xây dựng đã tiếp tục trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 3 công viên (lần 2) để báo cáo UBND Thành phố chấp thuận, trình HĐND Thành phố xem xét, phê duyệt theo quy định.
Công viên Hòa bình nhìn từ trên cao. (Ảnh: KT) |
- Theo Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang và phát triển đô thị, Hà Nội sẽ cải tạo 4 công viên và xây mới 6 công viên, trong quá trình triển khai chương trình này có phát sinh những vấn đề nào về cơ chế phối hợp cần đề xuất bổ sung, sửa đổi?
- Thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU, ngày 06/9/2021 của Thành ủy về chỉnh trang phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó đã xác định cải tạo, nâng cấp 13 công viên, 32 vườn hoa hiện có và đôn đốc hoàn thành 6 dự án xây dựng các công viên mới. Trong đó:
Thứ nhất với 4 công viên do Sở Xây dựng quản lý gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình. Như đã trả lời ở trên, đối với 3 công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp các công viên và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Đối với công viên Hòa Bình thì Sở Xây dựng đang rà soát lập danh mục các hạng mục cần sửa chữa bằng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Thành phố, trình UBND Thành phố phê duyệt để thực hiện. Trong quá trình thực hiện đến nay chưa phát sinh những vấn đề về cơ chế phối hợp cần đề xuất bổ sung, sửa đổi.
Thứ 2, với 6 công viên xây dựng mới gồm: (1) Khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1; (2) Công viên khu đô thị Tây Nam Hà Nội, quận Cầu Giấy; (3) Công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông; (4) Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, huyện Đông Anh; (5) Công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì; (6) Công viên hồ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm. Ngoài ra còn có 3 công viên: (1) Công viên Thiên văn học - Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông; (2) Công viên và hồ điều hòa khu phía bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch; (3) Công viên Hữu nghị quận Bắc Từ Liêm.
Chúng tôi dự kiến trong thời gian từ năm 2023 - 2024 hoàn thành đưa vào sử dụng 3 công viên: Khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1; Công viên và hồ điều hòa khu phía bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch; Công viên Thiên văn học, quận Hà Đông. Các công viên còn lại đều gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển mộ chí tại các địa phương chưa hoàn thành nên các dự án này chưa bàn giao được 100% mặt bằng để thi công hoàn thành.
Sở Xây dựng cũng thường xuyên đôn đốc UBND các quận, huyện có dự án công viên và các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành phục vụ nhân dân.
- Hiện nay vấn đề đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công đang được dư luận rất quan tâm, với các dự án cải tạo công viên, để thúc đẩy giải ngân thì cần tập trung trước hết vào những khía cạnh nào?
- Hơn bao giờ hết, vai trò đầu tư công ngày càng quan trọng trong duy trì và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm khôi phục và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công (UBND Thành phố ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 21/7/2022 về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 2/3/2023 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của thành phố được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2022 và đẩy nhanh thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023…)
Tại các văn bản chỉ đạo, Chính phủ và Thành phố đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu là: Thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian; trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì chậm chủ yếu do vướng mắc về xác định giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành...
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tại Thông báo số 691/TB-UBND ngày 31/7/2023 của UBND Thành phố về Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố tại Hội nghị giao ban xây dựng cơ bản toàn Thành phố Quý II năm 2023 đã chỉ rõ:
Cần nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của các Sở, ngành, UBND các quận huyện và tính chủ động của các đơn vị được giao chủ đầu tư trong công tác phối hợp triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Xác định hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư của các ngành, lĩnh vực là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Yêu cầu các sở chuyên ngành, các đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và quyết định đầu tư để đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, đặc biệt đối với các dự án công trình trọng điểm, quan trọng cấp bách, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc về môi trường, hạ tầng kỹ thuật, công trình văn hóa….đã được Thành ủy chỉ đạo, HĐND Thành phố quyết nghị thông qua.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng: Yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, thống kê toàn bộ các dự án trên địa bàn Thành phố có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tham mưu Ban cán sự đảng UBND Thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét cho ý kiến về chủ trương, phương án xử lý dứt điểm…
Việc tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống các công viên trên địa bàn Thành phố. Các công viên sau khi được đầu tư xây mới, cải tạo hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, phục vụ nhu cầu và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Một góc công viên thống nhất. (Ảnh: KT) |
- Ông hình dung diện mạo của Thủ đô Hà Nội sẽ thay đổi như thế nào khi hệ thống công viên được chỉnh trang và xây mới?
- Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội thì nhu cầu tận hưởng những không gian công viên cây xanh của cư dân đô thị đang ngày càng cấp thiết. Có thể nói, các công viên như lá phổi của đô thị.
Thủ đô Hà Nội hiện nay có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do Thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý là nơi vui chơi giải trí, tham quan cho người dân, du khách.
Phần lớn các công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử, hình thành đã lâu. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố đã xuống cấp, hư hỏng; diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng... tại nhiều công viên, vườn hoa bị đã lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trước thực trạng trên, để kịp thời có những giải pháp, UBND thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp để duy trì, nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025. Trong đó đã xác định cải tạo, nâng cấp 13 công viên, 32 vườn hoa hiện có và đôn đốc hoàn thành 6 dự án xây dựng các công viên mới.
Đến nay, một số công viên, vườn hoa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng (gồm 3/5 điểm xung quanh Vườn hoa Hồ Trúc Bạch (Ba Đình); Vườn hoa Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai); Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm); Vườn hoa Ngọc Lâm (Long Biên); Vườn hoa Lê Trực (Ba Đình)…) và nhận được sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn, cũng như người dân Thủ đô.
Khi hệ thống công viên được chỉnh trang và xây mới hoàn thiện sẽ góp phần làm tươi mới diện mạo Thủ đô, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần tạo sức hấp dẫn của thành phố Hà Nội không chỉ với nhân dân cả nước mà còn cả với khách quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!