Hành trình 24/7: Khách sạn Huế lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trên báo nước ngoài
Khách sạn La Residence Huế đoạt giải thưởng khách sạn uy tín thế giới
Khách sạn La Residence Huế vừa được vinh danh lần thứ 3 liên tiếp tại giải thưởng Readers Choice của Tạp chí Condé Nast Traveler. Đây là một trong những giải thưởng về khách sạn uy tín nhất trên thế giới vừa được công bố ở Mỹ.
La Residence Huế lần thứ 3 liên tiếp nhận được giải thưởng Readers Choice trên Tạp chí Condé Nast Traveler. (Ảnh: La Residence Hue)
La Residence Huế đã nằm trong cùng danh sách với những khách sạn nổi tiếng như Shangri-La, Raffles và vượt qua cả những tên tuổi lớn khác như Fullerton Bay và Marina Bay Sands của Singapore trong bảng xếp hạng trên. Đây là lần thứ 3 liên tiếp La Residence Huế có được vị trí xếp hạng danh giá này. Hơn 300.000 độc giả đã bình chọn cho cuộc thi năm nay, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Việt Nam vinh dự có 4 khách sạn được vinh danh trong giải thưởng lần thứ 29 này.
La Residence Huế nằm dọc bờ sông Hương thơ mộng. (Ảnh: La Residence Hue)
La Residence Huế nằm dọc bờ sông Hương với không gian và nội thất được bày trí rất công phu, kỹ lưỡng và là điểm nhấn trong các cơ sở lưu trú ở Huế và miền Trung.
Ngày hội văn hoá dân tộc H'Mông toàn quốc lần thứ 2
Từ ngày 18 – 19/11 tại Hà Giang sẽ diễn ra ngày hội văn hoá dân tộc H'Mông toàn quốc lần thứ 2 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mông trong thời kỳ đổi mới – Hội nhập và phát triển bền vững đất nước”.
Đánh tù lu của dân tộc H'Mông. (Ảnh: dantocmiennui)
Theo BTC, ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc H'Mông trong nền văn hoá thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Ngày hội cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc H'Mông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ném Pao. (Ảnh: Vietnam Heritage)
Tại ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng; Trình diễn nét đẹp trong trang phục phụ nữ dân tộc Mông; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc H'Mông; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của dân tộc H'Mông; Ẩm thực dân tộc H'Mông; Thi đấu một số môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc H'Mông như bắn nỏ, đánh tu lu; Tổ chức một số trò chơi dân gian có thưởng như ném Pao; đánh Yến…
Bên cạnh đó còn có hoạt động trải nghiệm du lịch cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; Triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc H'Mông.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam 2016
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam 2016 sẽ diễn ra từ ngày 18 – 23/11 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Lễ tạ ơn của dân tộc Gia Rai. (Ảnh: dantocviet)
Chương trình có sự tham dự của 120 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Xơ Đăng, Gia Rai, Ba Na đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên... Điểm nhấn của chương trình là việc tái hiện lễ cưới của dân tộc Tày, tỉnh Thái Nguyên (19/11) và lễ tạ ơn của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai (20/11).
Bên cạnh đó, cuộc sống hàng ngày của đồng bào tám dân tộc (Tày, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Ba Na, Ê Đê, Khmer) với các hoạt động như trình diễn nghề thủ công truyền thống, chế tác công cụ lao động, biểu diễn dân ca, dân vũ, giới thiệu trò chơi dân gian… sẽ được tái hiện trong dịp này.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam 2016 là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2016), chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Không tổ chức đâm trâu trong các lễ hội truyền thống
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản giao cho đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Lễ đâm trâu mừng năm mới. (Ảnh: MD)
Theo đó, không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, dừng tổ chức các lễ hội đã được cấp phép nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cần điều chỉnh nội dung tổ chức lễ hội cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là không tổ chức nghi thức đâm trâu trong các lễ hội truyền thống.
Từ lâu đâm trâu là nghi thức quan trọng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về việc tổ chức nghi thức này trong các lễ hội truyền thống. Một số cho rằng cần giữ lại nghi thức đâm trâu bởi đây là nghi lễ độc đáo, góp phần làm nên bản sắc các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Tuy nhiên, cũng có nhiều đề nghị nên loại bỏ nghi thức này vì quá man rợ, gây phản cảm trong xã hội hiện đại.
Lập hồ sơ công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia
Sở VH – TT Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng cùng phối hợp đề xuất lập hồ sơ công nhận Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân là di tích cấp quốc gia.
Hải Vân Quan – điểm dừng chân nổi tiếng trên đèo Hải Vân. (Ảnh: Nguyen Phu Duc)
Theo đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là đơn vị sẽ đảm nhận việc lập hồ sơ trình Bộ VH – TT & DL công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia. 2 đơn vị là huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) sẽ tăng cường công tác kiểm tra, có giải pháp quản lý, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan di tích này.
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân là một cửa ải kiểm soát người qua lại và nhằm trấn giữ quân thù trên đường thiên lý Bắc Nam. Cửa ải này xây năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Cửa trông về phía Huế có ghi 3 chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông về vùng Đà Nẵng – Quảng Nam ghi “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”.
Hải Vân Quan là địa điểm dừng chân rất nổi tiếng cho khách du khách khi dừng chân trên đèo Hải Vân để ngắm cảnh sông biển hùng vĩ.
Hoàng Hà