Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong (Trung Quốc) vừa bình chọn hang Sơn Đoòng của Việt Nam là một trong 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới.
Bài viết của tác giả Tim Pile trên SCMP điểm lại hành trình tìm ra hang động lớn nhất thế giới này. Theo đó, trong một chuyến đi rừng năm 1991, người nông dân Hồ Khanh phát hiện ra miệng hang. Tuy nhiên, tiếng nước chảy xiết và luồng gió thổi mạnh khiến ông không dám tiếp tục đi vào hang. Những lần sau đó, ông không thể nhớ vị trí của "hang động bí ẩn".
|
Hang Sơn Đoòng ở Việt Nam là hang động lớn nhất thế giới và có hệ sinh thái rừng rậm phát triển mạnh, hóa thạch 400 triệu năm tuổi và sự hình thành địa chất đáng kinh ngạc. (Ảnh: Shutterstock) |
Năm 2007, khi đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh tiến hành đợt tìm kiếm hang động mới tại Phong Nha-Kẻ Bàng, ông cũng đã đưa đoàn đi tìm hang hết 2 ngày nhưng không thấy.
Đến năm 2008, ông Khanh đã tìm lại được vị trí cửa hang và liên lạc với đội thám hiểm Anh. Qua đo đạc, các nhà thám hiểm xác nhận hang có chiều dài 5km.
Ngoài hệ thống sông hồ ngầm, hệ sinh thái rừng rậm phát triển, hóa thạch 400 triệu năm tuổi và những tầng địa chất ngoạn mục, hang Sơn Đoòng còn là nơi sinh sống của một số loài thực vật và động vật không tồn tại ở nơi nào khác trên Trái Đất.
Năm 2018, một nhóm chuyên gia Anh nghiên cứu về hang động phát hiện hang Sơn Đoòng rộng lớn hơn ít nhất 30% và sâu hơn nhiều so với thông tin trước đó.
Ngoài hang động của Việt Nam, danh sách 7 điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới được SCMP bình chọn còn có hang Tham Luang (Thái Lan), hầm mộ Paris Catacombs (Pháp), hầm trú ẩn thời Chiến tranh Lạnh (Albania), động Sáo Sậy (Trung Quốc), đường hầm Malinta (Philippines), Bảo tàng khai thác than quốc gia Anh.
|
Hầm mộ Paris, nơi chứa hài cốt của hàng triệu người dân Paris, là một trong những điểm tham quan dưới lòng đất nổi tiếng nhất thế giới. (Ảnh: Shutterstock) |
|
Hang Tham Luang (Thái Lan), nơi đội bóng thiếu niên Thái Lan từng mắc kẹt, thu hút nhiều khách du lịch. (Ảnh: Getty Images) |
|
Hơn 200.000 boongke được xây dựng ở Albania, chủ yếu từ năm 1972 đến năm 1984. Các boongke này nhằm mục đích phòng thủ trong trường hợp bị quân đội nước ngoài xâm lược. (Ảnh: Getty Images) |
|
Động Sáo Sậy ở Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc được chiếu sáng nhân tạo. (Ảnh: Shutterstock) |
|
Lối vào đường hầm Malinta do Quân đội Mỹ xây dựng trên đảo Corregidor, Vịnh Manila, Philippines. (Ảnh: Shutterstock) |
|
Đài tưởng niệm thợ mỏ Kellingley Colliery tại Bảo tàng khai thác than quốc gia, ở Tây Yorkshire, Anh. (Ảnh: Shutterstock) |