Hàng ngàn trạm y tế cơ sở “3 thiếu” làm sao khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến xã.
Hiện nay, cả nước hiện có hơn 12.000 trạm y tế. Tuy nhiên theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thì, thực tế trạm y tế cơ sở ít người đến khám. Trung bình mỗi trạm một ngày chỉ khám 10-15 bệnh nhân, có nơi chỉ một vài người.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế, kể cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung... Có trạm trang bị máy siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng rất hạn chế sử dụng.
Một khảo sát năm 2010 cho thấy, chỉ khoảng 26% trạm đủ trang thiết bị y tế thiết yếu, gần 43% ở mức chấp nhận được, 31% thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu. Hầu hết, trạm y tế thiếu thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị bệnh mạn tính, thông thường.
“Số lượng cán bộ y tế cơ bản ở trạm y tế đủ nhưng chất lượng hạn chế. Khảo sát năm 2012 tại một số trạm y tế khu vực miền núi cho thấy, đến 50% cán bộ y tế không nắm được chính xác huyết áp ở mức nào là tăng huyết áp, 90% không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở”, ông Khuê cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều nơi người dân chưa tin tưởng y tế cơ sở, hệ thống cơ sở đang bị bỏ ngỏ rất nhiều. Phần lớn đều xoay quanh 3 nguyên nhân: Chuyên môn nhân viên, danh mục thuốc, danh mục y tế ít và chưa đảm bảo.
Theo Bộ trưởng, cần chi nhiều hơn cho y tế cơ sở, phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống một thời gian để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
“Bác sĩ ở trạm y tế xã mãi thì cả đời họ không phát triển nghề được. Có trạm đến 3 bác sĩ y học cổ truyền, 2 bác sĩ sản mà bác sĩ gia đình không có”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Năm 2016, tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã trong tổng số lượt KCB BHYT là 18,5%.
Với thực trạng trên, những người làm công tác KCB lo ngại việc trao cho y tế cơ sở quyền KCB BHYT là đúng.
Vì thế, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi các chỉ số liên quan đến sử dụng dịch vụ y tế để kịp thời có giải pháp giải quyết những vướng mắc phát sinh, thực hiện việc tạm ứng, thanh quyết toán kịp thời để đảm bảo điều kiện hoạt động của cơ sở KCB.
N.Hòa (t/h)