Hai tác giả Việt Nam được chọn nhận Giải thưởng văn học ASEAN
Bìa tập thơ "Bay trong mơ" của Trần Quang Đạo. Sách do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. |
Đó là nhà thơ Trần Quang Đạo, đoạt Giải thưởng văn học ASEAN năm 2019, với tập thơ “Bay trong mơ”.
Trần Quang Đạo có lối thơ tự do, không ràng buộc vần điệu, đồng thời giàu hình ảnh, suy tưởng. Tác giả sinh năm 1957, vào "một ngày tháng Giêng/năm Gà lép trứng" như anh tự trào. Tuổi thơ anh cũng như của bao người "trong gió nắng quê nhà ngằn ngặt miền Trung", từng phải "bú cơn sữa đói dong riềng" nên thấu hiểu và thương quê nghèo, thương cha mẹ từng "đứt hơi chạy bữa" trong những "tháng ba dài như cơn gió lạnh châm".
Sau hơn 10 năm không in sách, Trần Quang Đạo ra mắt tập thơ thứ bảy - "Bay trong mơ". Sách có 80 bài, được chia làm tám phần, giúp người đọc liên tưởng từng giai đoạn trong "giấc mơ bay" của tác giả: khởi động trên Đường nắng, lấn bấn bởi Ngược sáng, vút cao Cất cánh để phiêu diêu Cháy giữa không trung, trải lòng với những Khúc ru, Khúc vọng, bâng khuâng Gọi giữa thinh không và cuối cùng là Nhặt - nhặt lấy những chiêm nghiệm cuộc đời qua từng câu thơ ngắn.
Thơ Trần Quang Đạo thể hiện sự lạc quan. Ít ai biết tác giả của Bay trong mơ đang chống chọi với một căn bệnh hiểm nghèo. Bởi được viết, với anh đã là niềm hạnh phúc lớn lao, là động lực để chiến thắng bệnh tật.
Trần Quang Đạo là nguyên tổng biên tập báo Nhi Đồng và có trên 15 năm phục vụ trong quân đội. Tập thơ Bay trong mơ do chính anh trình bày, vẽ bìa và minh họa. Ngoài ra, sách có chín bức tranh anh vẽ bằng chất liệu acrylic để minh họa các tác phẩm. Các tác phẩm từng xuất bản của anh gồm: Mối tình chưa hôn lễ, (tiểu thuyết, 1990), Luân khúc (thơ, 1991), Đêm ảo ảnh (tiểu thuyết, 1993), Những đứa con của trời (truyện vừa, 1997), Vòng tay cỏ (thơ, 1998), Ngọn cỏ thời yêu nhau (thơ, 2001), Khúc biến tấu xương rồng (thơ, 2004), Những giấc mơ cắt dán (thơ, 2009). |
Một tác giả cùng được chọn nhận Giải thưởng văn học ASEAN lần này là nhà văn Võ Khắc Nghiêm, đoạt Giải thưởng văn học ASEAN năm 2020, với tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”.
Lúc đầu Võ Khắc Nghiêm đặt tên cho tiểu thuyết của mình là Thị Lộ Chính Danh, bởi vì trong thời buổi nhiều nhân danh mà thiếu vắng chính danh thì tên này là một gợi ý. Nhưng rồi ông lại lấy cái tên đặc trưng và cũng là giản dị nhất là Thị Lộ, một cái tên gắn liền với một bi kịch lớn, vừa là huyền thoại vừa là lịch sử, mang tên Lệ Chi viên. Vì giấy phép xuất bản đã cấp nên bản in đầu này vẫn phải để là Thị Lộ Chính Danh.
Võ Khắc Nghiêm đã dùng thủ pháp kịch sân khấu và điện ảnh vốn là thế mạnh của ông, khi không cần thì nhịp điệu nhanh, với một lối trần thuật khúc chiết kiệm lời, để khi cần, sẽ dồn nén tập trung vào tình huống nghệ thuật - đối kháng, một mất một còn của nhân vật hoặc trường đoạn dạy vua - Đó là thủ pháp bóc tách từng lớp huyền thoại như bóc tách từng lớp giấy bọc của lịch sử, giúp ta nhìn lịch sử, tiếp cận lịch sử không bị một lớp sương mù huyền thoại được tạo ra bởi mục đích chính trị. Các huyền thoại xưa nay vốn được mặc định trong ý thức người dân từ khi mới sinh ra, tạo một lớp sương mù thần linh bí ẩn để sự thật lịch sử bị khúc xạ, thường là lớp người sau, trong vô thức cộng đồng không mấy khi chấp nhận sự thật lịch sử khi nó không giống như huyền thoại. Rất nhiều huyền thoại trong cuộc đời Lê Lợi, Nguyễn Trãi cũng như Thị Lộ được Võ Khắc Nghiêm lý giải theo cái nhìn biện chứng, giải huyền thoại. Tuy nhiên Võ Khắc Nghiêm không chú tâm và cũng không đi tới cùng ý tưởng giải huyền thoại lịch sử của mình, mà ông cuối cùng, đưa cuốn tiểu thuyết của mình đứng chênh vênh giữa giải huyền thoại và lịch sử, để rốt cuộc là cuộc hóa giải sự ác độc của quyền lực mà Nguyễn Thị Anh và phe nhóm hành sự bằng cái nhìn hiện sinh, coi đó là sản phẩm tất yếu của giai đoạn lịch sử cụ thể mà quyền lực là mục tiêu tranh giành, cũng là tất yếu, của các phe nhóm bao giờ cũng ở mức độ quyết liệt.
Thị Lộ là cuốn tiểu thuyết lịch sử, vừa là lịch sử vừa là giải huyền thoại, nó đi tìm một chân giá trị lịch sử với những nhân vật quen thuộc mà sống động đầy mới lạ của riêng Võ Khắc Nghiêm. Đây là cuốn tiểu thuyết chân thật, hấp dẫn nhưng quan trọng nhất là nó đưa lại cho chúng ta những thông điệp tưởng như còn hiện hữu trong cuộc sống đương đại.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Giải thưởng văn học ASEAN năm 2019 và 2020 được xét chung một lần. Hai tác giả của Việt Nam sẽ tham dự bằng hình thức trực tuyến lễ trao giải thưởng dự kiến diễn ra đầu năm 2022 tại Bangkok, Thái Lan. Ngày 25-9, Ban Tổ chức có hoạt động giao lưu trực tuyến với các tác giả đoạt giải. Theo đó, hai tác giả của Việt Nam cùng với các tác giả đoạt giải của nước khác đã đọc trích đoạn tác phẩm của mình.
Việt Nam đề xuất hai trọng tâm tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN Sáng ngày 26/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38 cùng Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 26-28/10/2021. |
Học sinh Việt Nam đứng đầu ASEAN ở 3 lĩnh vực: Toán, Đọc hiểu và Viết Bộ Giáo dục cho biết, có 6 nước là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillippines và Việt Nam tham gia chu kỳ khảo sát đầu tiên SEA-PLM giai đoạn 2018-2021, khảo sát chính thức năm 2019. Kết quả ở 3 lĩnh vực là Toán, Đọc hiểu và Viết của Việt Nam đều cao nhất trong 6 quốc gia tham gia kỳ khảo sát chính thức SEA-PLM 2019. |
Tác phẩm “Cười lên nào Việt Nam!” giành giải Nhất cuộc thi "Việt Nam trong tôi" tại Hàn Quốc Tối ngày 4/9, tại thủ đô Seoul, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc (Hội) đã phát sóng trực tiếp sự kiện công bố các cá nhân và tập thể đoạt giải thưởng trong cuộc thi làm video mang tên “Việt Nam trong tôi”. |