Hải quân Việt Nam được trang bị nhiều khí tài hiện đại
Tàu chiến Mỹ hai lần áp sát Trường Sa, Hoàng Sa |
Sức mạnh 'tên lửa quốc dân' Kh-35 của tàu chiến Việt Nam |
Sức mạnh Cảnh sát biển Việt Nam: Sở hữu tàu tuần tra hiện đại hàng đầu khu vực |
Quân chủng Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam còn gọi là Hải quân nhân dân Việt Nam, là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Hải quân nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 7/5/1955 với 2 đơn vị tiền thân là Trường Huấn luyện bờ bể và Xưởng 46 với 141 cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng ban đầu chỉ có hai thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng.
Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân luôn nắm chắc tình hình, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có các quyết sách đúng đắn trong đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; xử trí có hiệu quả các tình huống; bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động kinh tế biển; làm tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng; giữ được môi trường hòa bình trên biển; thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn giúp đỡ nhân dân trong bão lũ thiên tai.
Tư lệnh Hải quân chỉ đạo diễn tập trên biển. (Ảnh: Trọng Thiết/ Báo Hải Quân Việt Nam) |
Tổ chức Hải quân nhân dân Việt Nam từ cao đến thấp như sau:
- Bộ Tư lệnh Hải quân trực thuộc Bộ Quốc phòng
- Bộ Tư lệnh Vùng Hải quân (Bộ Tư lệnh Vùng 1, 2, 3, 4, 5)
- Lữ đoàn Hải quân Hải đoàn (tương đương với Tiểu đoàn Hải quân)
- Hải đội
Hải quân nhân dân Việt Nam có các binh chủng: Tàu mặt nước, Hải quân đánh bộ, Tên lửa-Pháo bờ biển, Không quân Hải quân, Tàu ngầm, Đặc công Hải quân... Bao gồm các cấp đơn vị: hải đội, hải đoàn, binh đoàn Hải quân đánh bộ, binh đoàn tàu mặt nước, binh đoàn tàu ngầm, binh đoàn không quân, tên lửa bờ và các binh đoàn bộ đội chuyên môn, các đơn vị bảo đảm phục vụ ra đa, thông tin, kỹ thuật, hậu cần....
Nhằm đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng; gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại. Nổi bật nhất phải kể đến đội tàu ngầm Kilo 636 và tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9.
Hình ảnh tàu ngầm Kilo Việt Nam trong quá trình hoạt động trên biển được giới thiệu trên kênh truyền hình QPVN vào năm 2017. |
Tên lửa hành trình đa năng Klub-S của tàu ngầm Kilo 636. (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin) |
Kilo 636 là loại tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới mà Hải quân Nhân dân Việt Nam đang sở hữu. Tàu vận hành tốt trong vùng biển nông, có khả năng di chuyển ở gần khu vực đáy biển hơn các loại tàu ngầm tấn công khác. Nhờ công nghệ hiện đại làm giảm đáng kể độ ồn cho lớp Kilo, tàu ngầm có khả năng “tàng hình” trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại, ẩn mình tốt hơn trong lòng biển để tiếp cận đội tàu nổi của địch và tấn công trước khi bị phát hiện.
Trong khi đó, Gepard 3.9 là loại tàu hộ vệ tên lửa nổi tiếng của Nga, có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc trong đội hình biên đội tàu chiến thuật. Gepard 3.9 được thiết kế cho nhiệm vụ săn tìm, theo dõi và tác chiến hiệu quả chống các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm và máy bay, rải lôi, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ.
Tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung được trang bị hệ thống vũ khí với khả năng chống hạm, chống ngầm và phòng không mạnh mẽ, là chiến hạm uy lực nhất của Hải quân Việt Nam. (Ảnh: MDC) |
Hiện nay, lực lượng tàu chiến của Hải quân Việt Nam có 4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 là: Tàu 011 Đinh Tiên Hoàng, Tàu 012 Lý Thái Tổ, Tàu 015 Trần Hưng Đạo và Tàu 016 Quang Trung. Đây là 4 trong tổng số 6 chiến hạm mà Việt Nam đặt mua từ Nga, nhằm xây dựng lực lượng hải quân chính quy, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Ngoài việc theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển, chống ngầm và tích hợp hàng loạt vũ khí hiện đại, chiến hạm Gepard 3.9 còn có khả năng tàng hình.
Ngoài ra, tàu tên lửa 12418, tàu pháo TT-400TP, tàu tuần tiễu pháo 10412; tên lửa bờ BASTON; máy bay EC-225, DHC-6; rađa cảnh giới SCORE-3000...cũng là những khí tài hiện đại mà Hải quân Nhân dân Việt Nam đang sở hữu.