Hai lần kiến nghị ra khỏi danh sách hộ nghèo
Nỗ lực thoát nghèo
Báo cáo nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua, ông Nguyễn Lê Bình nhắc đến nhiều tấm gương thoát nghèo, tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, như: cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi, ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An...
Trong đó, cụ Đỗ Thị Mơ từng khiến dư luận cả nước vô cùng cảm phục khi tuổi đã cao nhưng hai lần đạp xe đến UBND xã để xin được ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Cụ bà Đỗ Thị Mơ nhiều lần đạp xe lên UBND xã xin thoát nghèo (Ảnh: Báo Thanh Hóa). |
Trước đó, vào năm 2018, cụ Mơ quyết định xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã vì cảm thấy bản thân có thể làm việc, sản xuất, kiếm ra đồng tiền để tự trang trải cuộc sống. Chưa được trả lời, đến tháng 8/2019, cụ lại đạp xe lên xã xin thoát nghèo. Căn cứ theo quy định, trường hợp cụ Mơ chưa đủ điều kiện kinh tế để thoát khỏi hộ nghèo nhưng theo nguyện vọng của cụ, UBND xã Lương Sơn đã xem xét và quyết định để cụ thoát nghèo vào cuối năm 2019.
Việc làm và hình ảnh của cụ Đỗ Thị Mơ có sức lan tỏa rất lớn, thể hiện tinh thần tuổi cao ý chí càng cao. Sau đó cụ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen và ngày 17/10/2019 tại Hà Nội, cụ vinh dự là một trong những gương mặt điển hình của cả nước chia sẻ nỗ lực thoát nghèo của mình tại chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo: Không để ai bỏ lại phía sau".
Theo ông Nguyễn Lê Bình, Đảng và Nhà nước ta xác định xóa đói giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng đất nước. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình giảm nghèo khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong 5 năm vừa qua, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn chuyển biến, thu nhập của người nghèo tăng hơn 2 lần. Hơn 13 nghìn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư, nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn để xây dựng vùng nông thôn mới. Có 32 huyện, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 125 xã và 1.298 thôn hoàn thành Chương trình 135; khoảng 21 nghìn công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư.
Với nỗ lực trên, kết quả giảm nghèo của Việt Nam luôn đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (giảm bình quân 1-1,5%/năm); năm 2021 giảm xuống còn 2,23%, dự kiến năm 2022 giảm khoảng 1-1,5% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (giảm bình quân 4%/năm). |
Thành quả trên được nhân dân cả nước ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những thành công nổi bật nhất, mang ý nghĩa nhân văn của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Nhiều điểm mới trong công tác giảm nghèo
Tại hội nghị, ông Nguyễn Lê Bình chỉ ra sự thay đổi căn bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là thay đổi về cách thức thực hiện mô hình giảm nghèo.
Theo đó, sẽ chuyển từ quy mô đơn lẻ sang quy mô lớn hơn. Trước đây một mô hình giảm nghèo có quy mô từ 300-500 triệu đồng, khi về các địa phương sẽ được chia hết cho các hộ. Theo chương trình mới, mô hình giảm nghèo có quy mô tối thiểu khoảng 3 tỷ đồng trở lên, cộng đồng cùng làm và gắn với điều kiện cho mỗi hộ (phải có sức khỏe, có quyết tâm và có đối ứng ở mức độ nhất định bằng nhân lực, thức ăn, đất đai...).
Ông Nguyễn Lê Bình (bên phải), Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thành Luân). |
Mô hình giảm nghèo mới cũng hạn chế chuyển về cấp xã mà chủ yếu triển khai từ cấp huyện trở lên. Khi triển khai phải có sự cam kết, đối ứng nguồn lực của chính quyền các cấp. Đặc biệt, các mô hình giảm nghèo phải chứng minh được đầu ra ngay từ lúc lập dự án, có đơn vị liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra...
Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo sẽ tập trung hỗ trợ cho người nghèo về dinh dưỡng, nhà ở, phương tiện thông tin truyền thông, tiếp cận thông tin... Các chính sách giảm nghèo sẽ tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện, như tối thiểu hóa việc "cho không", chuyển sang hỗ trợ có điều kiện để người nghèo thấy rằng cũng cần nỗ lực để vươn lên thoát nghèo...
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 10/2022, các đại biểu cũng đã nghe ông Đinh Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) báo cáo về nỗ lực đảm bảo tự do internet ở Việt Nam; ông Nguyễn Văn Kỷ - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công an) báo cáo tình hình công tác nhân quyền trong tháng 10/2022 và phương hướng tháng tới. |