Green Life: Thu hút bạn trẻ bằng dự án đổi rác nhựa lấy ... quà
Cầm miếng xơ mướp đổi từ dự án môi trường của Green Life, Khánh Vy (sinh năm 2002, ở Đống Đa, Hà Nội) vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Vy mới chỉ nghe về xơ mướp qua lời kể của bà nội, còn đây là lần đầu tiên cô được "mục sở thị". Miếng xơ mướp vốn bị coi là thứ bỏ đi, nhưng được các bạn trẻ của Green Life tận dụng để đổi quà. Xơ mướp được lấy từ những quả mướp đã già, sau đó phơi khô đến khi chỉ còn xác quả, cầm nhẹ tay. Sau khi đem ngâm vào nước nhiều lần cho tróc dần lớp vỏ ngoài và rữa nát hết lớp thịt còn sót lại bên trong, xơ mướp được rửa sạch, rũ hết hạt và tiếp tục phơi khô.
Khánh Vy đã được trải nghiệm dùng xơ mướp để rửa bát. Miếng xơ mướp ban đầu rất cứng, nhưng bóp qua với nước vài lần, xơ mướp mềm ra, rửa sạch bát đũa, cốc chén, xoong, chảo chống dính mà không lo bị trầy xước. Các bạn ở Green Life còn làm thêm một dây treo, rửa xong xơ mướp được treo lên rất mau khô.
Ngoài xơ mướp, Khánh Vy còn sử dụng xà bông hữu cơ của Green Life với các thành phần thiên nhiên như dầu dừa nguyên chất, dầu cọ, cùng tinh dầu tràm, trầu không, quế, sả chanh...
Xơ mướp và xà bông hữu cơ là những sản phẩm được làm từ nguyên liệu thiên nhiên. Ảnh: Green Life |
"Dùng xà bông này để rửa tay hay tắm đều rất ổn. Da sạch, không bị khô hay căng như các loại xà bông công nghiệp, lại có mùi thơm nhẹ", Khánh Vy nhận xét. Với một bánh xà bông 100 gram, Vy dùng 2 tháng mới hết.
Xơ mướp và các loại xà phòng hữu cơ chỉ là hai trong nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường mà Green Life đang có. Bên cạnh đó còn có bàn chải tre, ống hút tre, đũa gỗ, đũa tre, cốc tre, bát gáo dừa, túi vải, làn đi chợ làm từ cỏ bàng...
Một số sản phẩm xanh tại Green Life. Ảnh: Green Life |
Bên cạnh các sản phẩm xanh, hữu cơ. Green Life còn bán các loại cây xanh dễ chăm sóc. Ảnh: Green Life |
Quỳnh Mai, một thành viên của Green Life cho biết, các sản phẩm được dự án nhập từ các làng nghề, hợp tác xã địa phương như: hợp tác xã Sinh Dược tại Ninh Bình sản xuất xà bông thiên nhiên, hợp tác xã ở Thanh Hoá sản xuất các đồ tre, gỗ, hợp tác xã ở Bến Tre sản xuất các sản phẩm từ gỗ dừa; làng nghề Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) chuyên đan cỏ bàng làm làn, túi đựng...
Green Life thường liên kết với các hợp tác xã, làng nghề qua các hội chợ, cuộc thi về các sản phẩm xanh. Thành viên của Green Life sẽ mua về để dùng thử, trải nghiệm và chỉ những sản phẩm đạt yêu cầu mới được dự án này nhập về số lượng lớn.
Bên cạnh việc bán các sản phẩm xanh, Green Life còn tổ chức các đợt đổi rác lấy quà. Sự kiện được tổ chức hàng tháng. Các nhóm rác được thu gom gồm: giấy, bìa và kim loại. Mỗi 5kg giấy, bìa hoặc 2kg kim loại sẽ nhận được 1 sao, tương đương với 10.000 đồng. Sao này sẽ được quy đổi với quà có giá trị tương đương.
Green Life tổ chức nhiều sự kiện "đổi rác lấy quà" hàng tháng nhằm khuyến khích mọi người tái chế những loại rác thải nhựa. Ảnh: Green Life |
“Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi tháng Green Life thường tổ chức từ 3 đến 5 sự kiện. Sau mỗi sự kiện như vậy, chúng em thu được khoảng 4-5 tấn rác. Trong khoảng thời gian dịch bệnh vừa rồi, Green Life gặp nhiều khó khăn nên chỉ duy trì 1 sự kiện 1 tháng. Sự kiện gần đây nhất, chúng em đã thu gom được gần 1 tấn rác", Quỳnh Mai cho biết.
Đặc biệt, vào tháng 4/2021, Green Life đã liên kết với một loạt tổ chức, trường học để tổ chức các sự kiện “đổi rác lấy quà” như Đại sứ quán Israel, Vincom Royal City, Đại học Công đoàn, Tòa nhà Goldsilk Complex Vạn Phúc, VinUniversity, …
Sau khi đã thu gom và phân loại rác theo số lượng lớn, dự án sẽ liên hệ và vận chuyển đến các đơn vị xử lí tùy theo từng loại như nhà máy giấy Corelex ở Hưng Yên, Urenco 11 ở Hưng Yên … Những nhà máy này đều là những cơ sở chuyên nhận các rác thải môi trường để tái chế thành những sản phảm thân thiện, bảo vệ với môi trường.
Green Life còn hợp tác với các tổ chức, trường học... để tổ chức các sự kiện "đổi rác lấy quà". Ảnh: Green Life |
Đồ chơi cũng là một trong những đồ vật Green Life nhận thu gom vì có vòng đời sử dụng ngắn và khi thải ra ngoài cũng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Green Life đã xây dựng Trạm cứu hộ đồ chơi nhằm thu gom các món đồ chơi cũ, hỏng hay không còn sử dụng tới. Những món đồ chơi này được phân loại và sửa chữa để gửi tặng đến các trẻ em khó khăn.
Bên cạnh đó, anh Hoàng Quý Bình – founder của Green Life đã xây dựng một dự án mới mang tên Nhà nhiều lá nhằm kêu gọi mọi người quyên góp sách cũ để xây dựng thư viện miễn phí. Mọi người khi đến đây không chỉ trải nghiệm đọc sách miễn phí mà còn được tham gia các hoạt động môi trường như thu gom, tái chế rác thải.
Thống kê của Green Life cho biết, trong suốt 3 năm qua, dự án này đã thu gom được khoảng 500 tấn rác và việc tái chế cũng đã cứu được khoảng 7.000 cây xanh không bị chặt, tiết kiệm 1.600.000 KWH điện, 10.400 m3 nước và 127.200 lít dầu thô. |
Với những hoạt động vô cùng ý nghĩa, Green Life đã nhận được nhiều giải thưởng của các cuộc thi về môi trường. Đặc biệt, vào tháng 11/2021, Green Life vượt qua hơn 211 bài dự thi để đạt giải Ba hạng mục Mô hình quản lý, giảm thiểu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt có sự tham gia của cộng đồng tại Cuộc thi Greentech - Sáng kiến, giải pháp, mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Green Life đạt giải Ba hạng mục Mô hình quản lý, giảm thiểu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cuộc thi Greentech. Ảnh: Green Life |
Trong tương lai, Green Life mong muốn trở thành một doanh nghiệp xã hội, có những hoạt động chuyên nghiệp hơn về môi trường. Ngoài ra, dự án còn đề ra mục tiêu có thể giúp giảm được 10% lượng rác thải ở Hà Nội vào năm 2023 và 50% lượng rác ở Hà Nội và Sài Gòn vào năm 2025.