Góp phần giải quyết nhiệm vụ khôi phục kinh tế xã hội trong giai đoạn “bình thường mới”
Góp phần thúc đẩy được quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mông Cổ Sáng 21/12, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Trần Thanh Nam được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Trần Thanh Nam mong muốn thời gian tới, ngoài nhiệm vụ củng cố và tăng cường quan hệ nhân dân, giao lưu văn hóa, Hội còn góp phần thúc đẩy được quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. |
Hội Hữu nghị các địa phương góp sức thúc đẩy xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nhằm phát triển kinh tế trong nước Tác động của dịch COVID-19 đã khiến thị trường xuất khẩu lao động bị “đóng băng”. Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các hội hữu nghị, các công ty, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động tại nhiều địa phương đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, nỗ lực vượt khó để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động. |
Đối ngoại nhân dân thúc đẩy sự quan tâm, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ Việt Nam từ cộng đồng quốc tế
Theo tác giả Nguyễn Tất Đạt: Kể từ khi bùng phát và lây lan trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại không đo đếm được về sức khỏe, tính mạng, kinh tế trên toàn thế giới và luôn chiếm vị trí trung tâm trong mọi chương trình nghị sự quốc gia các nước, Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế đa phương lớn khác...
|
Ông Đạt cũng nhận định: Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 với nhiều biến thể nguy hiểm, không chỉ chia cắt về mặt địa lý giữa các nước đang tiến hành phong tỏa, mà còn gây ra rạn nứt khi nhân loại đang tranh cãi gay gắt về những biện pháp chống COVID-19. Chính phủ, phe phái chính trị tại các nước lớn đổ lỗi, cáo buộc lẫn nhau về nguồn gốc virus, việc lợi dụng đại dịch cho các mục đích riêng…
Bối cảnh đó đặt ra cho đối ngoại nhân dân những khó khăn, thách thức trong hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch toàn cầu này. Đối ngoại nhân dân có tiềm năng thúc đẩy sự quan tâm, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ Việt Nam từ cộng đồng quốc tế và bước đầu phát huy hiệu quả trên thực tiễn thông qua các cơ chế hợp tác của đối ngoại nhân dân như các tổ chức hữu nghị, cơ chế song phương, đa phương... Trong đó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, đầu tư của nước ngoài đã gửi thư đề nghị chính quyền sở tại hỗ trợ Việt Nam chống COVID-19, nhằm sớm khôi phục hoạt động kinh tế, đảm bảo sản xuất của các doanh nghiệp đó.
Theo thông tin từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2021, có khoảng 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) hoạt động thường xuyên tại tại Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn, các TCPCPNN vẫn tiếp tục thể hiện cam kết hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội. Ước tính giá trị viện trợ của các TCPCPNN cho Việt Nam trong năm 2021 sẽ giảm nhẹ hoặc đạt tương đương so với 2020 (khoảng trên 260 triệu USD). Vận động các tổ chức PCPNN hỗ trợ, ủng hộ cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công cuộc phục hồi phát triển kinh tế của Việt Nam. Năm 2021, ghi nhận 57 tổ chức PCPNN đã chủ động triển khai 123 khoản viện trợ trị giá hơn 10,635 triệu đô la Mỹ (bao gồm: các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ các trang thiết bị phòng, chống dịch, nhu yếu phẩm, tiền mặt, chưa bao gồm một số hàng hóa, trang thiết bị không thể quy đổi).
Mô hình ngân hàng dê do tổ chức PCPNN tài trợ sẽ giúp các gia đình dân tộc thiểu số nghèo huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng tăng thu nhập. (Ảnh: ADRA) |
Quan hệ hữu nghị là tiền đề cho các lĩnh vực khác
Có thể nói, đối ngoại nhân dân đã, đang và sẽ góp phần tạo thế và lực cho nước ta đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu sớm đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng khóa XIII cũng như chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã đề ra. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước.
Theo dõi báo chí cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp trở thành thành viên năng động tích cực của các hiệp định thương mại tự do lớn trên thế giới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP với thị trường rộng lớn, sức tiêu dùng ngày càng tăng. Đây là tiền đề để quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và thế giới sinh sôi, này nở, nhất là trên lĩnh vực giao thương, kinh tế, văn hóa, giáo dục, lao động.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga chia sẻ: Một điểm mới của các hoạt động hữu nghị năm 2021 là không chỉ phục vụ đối ngoại đơn thuần mà đưa được vào nội dung để phục vụ thiết thực phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ Hội Hữu nghị Việt Nam – Brazil tổ chức “Hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam – Brazil 2021”; Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tổ chức tọa đàm giải pháp công nghệ ứng phó với đại dịch…
Bên cạnh những hoạt động truyền thống hữu nghị, kỉ niệm, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch VUFO cho rằng, cần có những hoạt động có giới trẻ, doanh nghiệp… để tăng sức sống, hiệu quả, sự phong phú, thiết thực và thực chất cho các hoạt động đối ngoại nhân dân. Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia rất nhiều vào các hoạt động đối ngoại doanh nghiệp cũng là phục vụ cho ngoại giao chung của đất nước. Đồng thời, ngoại giao cũng có nhiệm vụ ngoại giao kinh tế tức là mở đường, tạo điều kiện, tạo kênh để doanh nghiệp tiếp xúc, tiếp cận với thị trường bên ngoài, tiếp cận với các giới hoạch định chính sách của các nước, tiếp cận với các nguồn vốn và doanh nghiệp nước bạn.
Doanh nghiệp tham gia đối ngoại nhân dân thì có thêm kênh tiếp cận thị trường, đối ngoại nhân dân thì có thêm nguồn lực con người, vật chất. Hiện nay với việc mở rộng của đối ngoại nhân dân có sự tham gia của doanh nghiệp cũng có bước phát triển. Trong đại hội của các Hội Hữu nghị gần đây đều có thành phần là các doanh nghiệp tham gia. Đối với các hoạt động ở nước ngoài, các đoàn, sự kiện, VUFO cũng mời các doanh nghiệp tham gia để tạo kênh tiếp cận được với các đối tác từ bên ngoài.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ