Hội Hữu nghị các địa phương góp sức thúc đẩy xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nhằm phát triển kinh tế trong nước
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cung ứng Nhân lực và Xuất Nhập khẩu Thiên Ân (Thanh Hóa), mặc dù thị trường xuất khẩu lao động dự báo còn nhiều khó khăn, công ty vẫn xây dựng kế hoạch cho năm 2022. Theo đó, công ty phấn đấu đưa được hơn 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Địa phương nào có độ an toàn cao, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền để tăng cường công tác truyền thông; đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH có các chuyến bay hồi hương, đưa lao động đã hết hạn hợp đồng trở về để ổn định tâm lý cho người lao động. Ngoài các thị trường truyền thống được duy trì, công ty sẽ khai thác thêm một số thị trường tiềm năng ở châu Âu như: Đức, Ai-len…
Để biến thách thức thành thời cơ, chuẩn bị nguồn nhân lực cho các thị trường, chờ thời điểm hồi phục, Công ty cổ phần hợp tác lao động quốc tế Vinaco (Thanh Hóa) đã linh hoạt trong việc tìm kiếm đơn hàng, nhất là trong thời điểm thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chưa tiếp nhận lao động ngoài nước, thì thị trường châu Âu - Rumania đang được công ty lựa chọn.
Hàn Quốc là một trong những thị trường hàng đầu thu hút lao động Việt Nam |
Cùng với nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các Hội Hữu nghị tại các địa phương cũng đã tích cực phát huy vai trò làm cầu nối cho các hợp tác về thương mại, đầu tư, xuất khẩu lao động thời vụ, giữa hai nước tại các địa phương trong bối cảnh nhiều thách thức do dịch bệnh đưa đến. Hội Hữu nghị Việt – Hàn TP Đà Nẵng đã tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi với Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng thông tin cụ thể mô hình thí điểm của Đà Nẵng, đưa lao động Việt Nam sang làm việc thời vụ tại địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa hai địa phương được Chính phủ cho phép. Đồng thời thông tin thêm về số lao động có nguyện vọng được sang Hàn Quốc lao động thời vụ và bày tỏ mong muốn phía Tổng Lãnh sự Hàn Quốc giới thiệu các địa phương Hàn Quốc có nhu cầu lao động trong các lĩnh vực này để sắp đến có thể mở rộng Chương trình này.
Hội Hữu nghị tại các địa phương khác cũng thường xuyên trao đổi, kết nối thông tin nhu cầu việc làm giữa người lao động với các doanh nghiệp của Hàn.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng tham gia cuộc gặp trao đổi, kết nối thông tin nhu cầu việc làm giữa người lao động với các doanh nghiệp của Hàn Quốc. |
Mới đây, khi Hàn Quốc nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với lao động người nước ngoài đã tiếp tục mở ra cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Những lao động Việt Nam đầu tiên đến Hàn Quốc theo quy chế nới lỏng mà chính phủ Hàn Quốc ban hành đầu tháng 11 đã hoàn thành các thủ tục cách ly và được đưa về làm việc tại các doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Chương trình Hàn Quốc cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), số lao động Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc đang tăng lên trong tháng 11 và dự kiến đến hết tháng sẽ đón được 183 người.
Bà Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban quản lý Lao động tại Hàn Quốc cho biết, theo quy định mới, người lao động khi nhập cảnh Hàn Quốc chỉ phải cách ly 10 ngày thay vì 14 ngày. Những quy định mới của Hàn Quốc giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đang thiếu hụt lao động do các biện pháp hạn chế nhằm chống lây lan dịch COVID-19 của chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp tại Hàn, chia sẻ họ đang chờ đợi để được bổ sung thêm lao động. Do dịch bệnh nên lao động nước ngoài bị hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc, khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Doanh nghiệp này đánh giá lao động Việt Nam chăm chỉ và rất tuân thủ các quy định, đặc biệt là yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Để tận dụng cơ hội này, ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc, chia sẻ cần triển khai các đợt đưa lao động đã đủ thủ tục sang Hàn Quốc. Ở trong nước, nên ưu tiên tiêm chủng cho người lao động để các lao động Việt Nam được hưởng các ưu đãi khi nhập cảnh, song song với đó cần sớm hoàn tất các kỳ thi tiếng Hàn để tạo nguồn lao động đủ điều kiện nhập cảnh trong thời gian tới.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Do yêu cầu thực tiễn, năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định thành lập Văn phòng EPS tại Hàn Quốc hỗ trợ tốt hơn cho người lao động. Trong thời gian qua, Văn phòng đã tổ chức các buổi gặp mặt, tư vấn trực tiếp cho hàng nghìn lượt lao động vào các ngày cuối tuần; tư vấn qua điện thoại bình quân mỗi tuần từ 100-150 cuộc; và hỗ trợ xử lý hàng hàng trăm vụ việc phát sinh. Theo ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc, các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào công tác hỗ trợ lao động Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc từ 40% những năm 2013 xuống dưới 26% năm 2020 và đây là tiêu chí quan trọng để duy trì và phát triển thị trường lao động Hàn Quốc. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ