Gói dịch vụ thiết yếu - Kim chỉ nam ứng phó với bạo lực giới
Hơn 80 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Liên hợp quốc, các tỉnh, thành phố... đã dự Hội nghị. Ảnh: Gia Đoàn |
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn III tại Việt Nam (2021-2022) diễn ra ngày 21/6 tại Vĩnh Phúc. Hội nghị do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.
Cung cấp các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực
Tại Hội nghị, bà Lê Thị Lan Phương, Cán bộ chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ (UN Women) cho biết nạn nhân của bạo lực cần rất nhiều nhu cầu: được an toàn, được hỗ trợ kinh tế, được tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý…
Tuy nhiên thời gian qua các biện pháp ứng phó bạo lực đối với phụ nữ còn rời rạc: các dịch vụ sẵn có khá ít; chuẩn mực xã hội còn xem nhẹ, bình thường hóa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; thiếu thông tin liên ngành và cơ chế chuyển gửi…
Bà Lê Thị Lan Phương, Cán bộ chương trình chấm dứt Bạo lực với phụ nữ (UN Women): "Bạo lực với phụ nữ là một trong những hình thức vi phạm quyền con người nghiêm trọng nhất'. Ảnh: Gia Đoàn |
“Gói dịch vụ thiết yếu đã được thiết kế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tốt hơn của phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới tới các dịch vụ thiết yếu đa ngành có chất lượng và có sự điều phối nhịp nhàng”, bà Lan Phương cho biết.
Kết quả triển khai Chương trình gói dịch vụ thiết yếu từ 2017-2022 đã cho thấy những hiệu quả thiết thực. Nổi bật là: hiểu biết về các dịch vụ thiết yếu của người dân đã tăng lên; tính sẵn có và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, hành pháp và tư pháp, xã hội được cải thiện rõ rệt tại địa phương thí điểm là tỉnh Bến Tre.
“Các đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được mở rộng ra đến 89 xã phường thuộc thành phố Bến Tre, huyện Chợ Lách, Bình Đại, Mỏ Cày Nam và Ba Tri. Thành viên của các đội được cung cấp các công cụ như sổ tay, bảng kiểm, được tập huấn về công tác phòng ngừa, xử lý bạo lực giới, đảm bảo an toàn và hỗ trợ người trải qua bạo lực để biết cách xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tiễn. Đội phản ứng nhanh phòng chống gia đình của tỉnh Bến Tre đã trở thành mô hình tiêu biểu trên toàn quốc”, bà Nguyễn Nguyệt Minh – Chuyên gia UNODC thông tin.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ nạn nhân trong cộng đồng
Tại Hội nghị, các ý kiến đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn cũng như những thách thức trong việc triển khai gói dịch vụ thiết yếu tại Việt Nam.
Bà Lê Thị Lan Phương, Cán bộ chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ (UN Women) chia sẻ, hiện chưa có hướng dẫn chính thức dành cho nhân viên y tế khi làm việc với nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn đối với nạn nhân bạo lực sau khi kết thúc quá trình xét xử. Mức phạt đối với người gây bạo lực trên cơ sở giới còn thấp.
Sự tham gia của các bộ, cơ quan và đối tác xã hội có liên quan và các can thiệp của gói dịch vụ thiết yếu chưa nhất quán ở cấp Trung ương, chưa đồng đều, thống nhất ở các địa phương…
Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp). Ảnh: Gia Đoàn. |
Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết việc hỗ trợ đối với nạn nhân là người khiếm thính, người dân tộc khiếm thính còn nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất chưa thân thiện với người khuyết tật, thiếu sự hỗ trợ của nhân sự biết ngôn ngữ khiếm thính là những rào cản lớn trong việc triển khai gói dịch vụ thiết yếu với nhóm đối tượng này.
Ý kiến đại biểu đề xuất đánh giá kết quả để nhân rộng mô hình thí điểm hỗ trợ nạn nhân trong cộng đồng như: nhà tạm lánh, ngôi nhà bình yên, trung tâm một cửa, đường dây nóng dễ nhớ, dễ tiếp cận và hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: Gia Đoàn. |
“Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em là vấn nạn khó xóa bỏ nhưng không có nghĩa là không thể chấm dứt. Chúng ta cần hành động ngay và không khoan nhượng với bất kỳ hình thức bạo lực nào”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Bà Hà cho biết để nâng cao hiệu quả phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, góp ý sửa đổi Luật Bình đẳng giới, làm rõ các quy định về bạo lực trên cơ sở giới; nghiên cứu, xây dựng các tài liệu hướng dẫn tiêu chuẩn các dịch vụ xã hội, y tế, tư pháp và xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành.
Cùng với đó triển khai, nhân rộng các mô hình cung cấp dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới ở các địa phương; nghiên cứu, xây dựng, vận hành Tổng đài điện thoại quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam…
Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam - bà Elisa Fernandez Saenz đề xuất Chính phủ Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa nguồn lực cho các dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực.
Các ý kiến đại biểu cũng cam kết sẽ chung tay tiếp tục nâng cao năng lực, cải thiện các dịch vụ thiết yếu để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian tới.
Bà Caroline Meenagh, chuyên gia chính sách UN Women cho biết Chương trình gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực hiện đã được sử dụng tại hơn 60 quốc gia. |