Gỡ khó cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam
Quang cảnh Hội nghị bàn tròn Nhật Bản tại TPHCM (Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM). |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH), ông Nakagawa Motohisa cho biết, lũy kế đến hết tháng 11/2022, Nhật Bản có 1.568 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 5,5 tỷ USD, tập trung vào các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, khoa học - công nghệ và xây dựng... Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết còn gặp vướng mắc cần sớm được tháo gỡ về thanh tra thuế chuyển giá, thủ tục hoàn thuế VAT, kiểm tra vận hành của máy móc, thiết bị nhập khẩu, nhập khẩu hóa chất, giới hạn mức trần về giờ làm thêm, quy định về giấy phép lao động…
Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM cho rằng, sự phục hồi và phát triển của TPHCM là động lực cho sự phát triển của Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật bản mong muốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Đồng thời sẵn sàng hợp tác tích cực với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát huy thế mạnh của hai bên, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM ông Võ Văn Hoan, khẳng định, TPHCM đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của doanh nghiệp. Những thắc mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được chính quyền thành phố lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết sớm nhất. TPHCM mong muốn doanh nghiệp Nhật Bản tham gia hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ; các hoạt động thiết kế, sản xuất, xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
TPHCM cũng ưu tiên các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot,...); công nghiệp điện tử, công nghiệp an toàn, an ninh mạng; công nghiệp Internet Vạn vật (IoT) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.