Giữ gìn nét đẹp của Tết Việt
Như một thông lệ, dịp cuối năm tại nhà chị Hoàng Thị Mai (tổ dân phố 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) lại trở nên nhộn nhịp. Chỉ cần ở ngoài sân cũng đã cảm nhận được mùi hương từ gạo nếp, lá dong quyện với mùi thơm của đậu xanh, tất cả tạo nên một vị Tết rất đặc trưng. Tối đến, chị lại tất bật để cho ra lò những mẻ bánh chất lượng nhất để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Theo chị Mai kể lại, nghề gói bánh chưng của gia đình đã có từ lâu đời và được chị mang từ tỉnh Thừa Thiên Huế lên Tây Nguyên. Ở miền đất mới, chị và các thành viên trong gia đình, họ hàng tiếp tục duy trì nghề truyền thống.
Không phải ngẫu nhiên bánh chưng xanh của chị Mai giữ khách gần 15 năm nay. Bí quyết chính nằm ở sự tỉ mỉ, từ chính cái “tâm” của những người làm bánh cùng sự lựa chọn những nguyên liệu kỹ lưỡng. Lá dong để gói bánh chưng phải là loại lá bản to, dài, màu xanh mướt, không bị sâu, rách. Gạo gói phải là loại ngon nhất, thịt được lựa chọn là loại thịt ba chỉ, nửa nạc nửa mỡ, ướp gia vị kĩ càng vừa đủ. Lá dong đẹp, gạo ngon, nhân bánh được ướp gia vị vừa đủ, tay người gói khéo thì bánh chưng ra lò mới xanh đẹp, chắc, dẻo bánh và ăn mới không bị ngấy.
Điều đặc biệt, tại huyện Chư Păh có làng Ia Sik (xã Ia Nhin) chuyên trồng lá dong cung cấp nguyên liệu cho các hộ dân trong huyện gói bánh chưng mỗi dịp lễ, Tết.
Cuối năm, khi sắc xuân vừa chạm ngõ, làng Ia Sik cũng trở nên tất bật, bởi người dân đang tranh thủ cắt tỉa lá dong để phục vụ thương lái vào thu mua. Trước đây, cây lá dong chủ yếu mọc tự nhiên, phát triển tốt trong điều kiện môi trường có độ ẩm cao.
Nhận thấy thị trường có nhu cầu cao, nhiều gia đình trong vùng vẫn giữ truyền thống gói bánh chưng nên các hộ dân đã chủ động nhân giống, tận dụng diện tích gần ao, hồ để phát triển loại cây trồng này.
Người dân Ia Sik trồng 2 loại lá dong nếp và lá dong bầu. Nhưng được ưa chuộng nhất và phù hợp để gói bánh chưng, là lá dong nếp nhờ phiến lá dài và rộng, mỏng mà dai, màu xanh ngắt, có mùi thơm. Bánh chưng gói bằng lá dong nếp khi luộc chín có màu xanh tự nhiên, vừa đẹp mắt lại giữ hương thơm đặc trưng.
Ông Phan Đức Hồng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Sik, cho hay: “Làng có 156 hộ, thì có 80 hộ trồng lá dong, với diện tích gần 5 ha. Nhà trồng ít thì nửa sào, nhiều thì vài sào; mỗi sào cho thu nhập 2 - 3 triệu đồng. Không chỉ tăng thêm nguồn thu cho gia đình, việc chủ động trồng lá dong của người dân, còn góp phần gìn giữ loại nguyên liệu dùng để gói bánh chưng, làm cho Tết Việt càng thêm ấm áp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”.
Dù cho cuộc sống hiện đại có hối hả, những người dân ở huyện Chư Păh vẫn không quên truyền thống gói bánh chưng xanh dịp Tết. Bởi đối với người dân nơi đây, bánh chưng không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn chứa đựng ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt, tình thân, sự đoàn viên, sum vầy vào mỗi dịp Tết.
Chị Mai chia sẻ: Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là 1 dịp lễ lớn, đặc biệt quan trọng trong năm. Ngày Tết dù mâm cao cỗ đầy đến đâu cũng không thể thiếu cặp bánh chưng được. Phong tục gói bánh chưng ngày tết cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong truyền thống văn hóa của người Việt, thể hiện là 1 món quà dâng lên tổ tiên, cũng như là tấm lòng uống nước nhớ nguồn của mỗi gia đình Việt. Gói và truyền dạy cách gói bánh chưng vào ngày lễ, tết cũng là cách để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm không khí Tết Việt Nam trên phố Hàng Mã
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, những ngày này, không khí trên phố Hàng Mã (Hà Nội) sôi động cảnh mua bán đồ trang trí Tết, rực sắc màu đỏ, vàng rất đặc trưng của mùa Xuân. Nhiều du khách nước ngoài đã tới đây tham quan, trải nghiệm không khí Tết truyền thống của Việt Nam.
|
“Xuân quê hương - Tết Việt Amagasaki 2024”: Quảng bá văn hóa Việt tại Nhật
Từ 3 - 4/2/2024 (tức ngày 24 và 25 tháng 12 Âm lịch năm Quý Mão 2023), tại thành phố Amagasaki, Nhật Bản sẽ diễn ra chương trình Xuân quê hương – Tết Việt Amagasaki 2024 với chủ đề Sum vầy Kansai – Hướng về nguồn cội.
|