Giữ đại dương xanh vì hiện tại và tương lai bền vững
Cùng kết nối để bảo vệ đại dương
Đại dương là một phần của trái đất và có vai trò rất quan trọng đối với nhân loại. Đây là nơi cung cấp nguồn năng lượng, tài nguyên, thực phẩm dồi dào cho con người. Biển và đại dương cũng là nơi hình thành những tuyến giao thông hàng hải huyết mạch, vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa trên thế giới... Tuy nhiên, biển và đại dương cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa. Ô nhiễm đại dương đã trở thành vấn nạn toàn cầu, không phải của riêng bất cứ quốc gia nào và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Vì thế, việc giữ cho đại dương xanh là đòi hỏi cấp bách hiện nay để đảm bảo tương lai bền vững hơn cho nhân loại.
Rác thải nhựa là hiểm họa mang tính toàn cầu đối với môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe cũng như sinh kế của nhân loại. Một báo cáo mới đây khiến chúng ta không khỏi giật mình khi biết rằng, dự kiến, lượng rác thải nhựa thải ra đại dương đến năm 2050 sẽ nhiều hơn cả những chú cá sinh sống ở vùng biển và sẽ đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái đại dương. Điều đáng chú ý nữa là 80% rác thải nhựa đại dương có nguồn gốc lục địa.
Nhận thức rằng, rác thải nhựa đại dương là một vấn đề toàn cầu, một nước, một tổ chức nếu hành động riêng lẻ sẽ không thể đạt được kết quả mong đợi, các nước trên thế giới đang kết nối để cùng thực hiện mục tiêu bảo vệ đại dương. Các tổ chức trên thế giới đã có cam kết và tuyên bố cũng như hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó, Hội đồng môi trường Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết về rác thải biển. Năm 2018, Liên hợp quốc phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada năm 2018, Canada đã đưa ra sáng kiến ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương. Tổ chức APEC cũng xây dựng, triển khai Lộ trình chống rác thải nhựa đại dương đến năm 2025. ASEAN cũng đã thông qua Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển.
Việt Nam hành động mạnh mẽ chống rác thải nhựa
Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm và đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển với khoảng 0,28 triệu tấn mỗi năm.
Nhận thức rõ hiểm họa do rác thải nhựa và tầm quan trọng của “sức khỏe đại dương”, Việt Nam đã có những cam kết và hành động mạnh mẽ nhằm quản lý, ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát rác thải nhựa đại dương; bảo vệ môi trường biển. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada năm 2018, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã đưa ra sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa...
Cùng với đó, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Ngày 4-12-2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; thường xuyên thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển; cấm hoàn toàn việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển; giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Việt Nam tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo năm 2021 với chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Các địa phương và bộ, ngành sẽ tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2021.
Đồng thời, tuyên truyền về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế biển; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...
Cùng với đó, các địa phương sẽ tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo, khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Tăng cường quản lý, bảo vệ biên giới và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép
Sáng 12-5, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình hợp tác trong quản lý, bảo vệ biên giới và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép giữa Việt Nam với các nước láng giềng có chung đường biên giới.
|
“Bộ tứ kim cương”chào đón các nước để bảo vệ biển
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Beigun ngày 12/10 cho biết nhóm "Bộ tứ" luôn chào đón các quốc gia khác có chung tầm nhìn về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”.
|
Vi phạm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
|