“Giống như Hy Lạp, Ý cần rời khỏi Eurozone”
Ông Grillo cho rằng: không sớm thì muộn, khủng hoảng nợ công sẽ khiến Hy Lạp phải “cân nhắc một lối thoát khỏi khối Eurozone”, và Ý cũng nên đi theo Hy Lạp.
Trong vài năm gần đây, phong trào chống euro - đồng tiền chung châu Âu của đảng “Phong trào 5 Sao” (M5S) do cựu diễn viên hài lãnh đạo đã thu hút được nhiều cử tri bất mãn. Họ đang dõi theo cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, vì nó có thể tạo nên tiền lệ cho một quốc gia rời khỏi liên minh tiền tệ.
Ông Beppe Grillo cho rằng Ý cần rời khỏi Eurozone
Hy Lạp đang bị chia rẽ sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày chủ nhật 5/7. Trong đó, có 61% người dân bỏ phiếu chống lại chương trình cứu trợ tài chính của chính phủ và chính sách "thắt lưng buộc bụng". Sau cuộc bầu cử, phe cánh tả trong chính phủ Hy Lạp hy vọng sẽ thảo luận trở lại với các bên cho vay và các đối tác trong khu vực Eurozone. Họ cũng muốn đạt được viện trợ tài chính nhiều hơn, nhưng ít bị cắt giảm chi tiêu hơn. Việc Hy Lạp có thể rời khỏi Eurozone nhiều khả năng sẽ tạo ra tiền lệ cho các nước khác. Nếu Hy Lạp làm điều đó, họ có thể giảm giá trị của một đồng tiền thay thế và lấy lại khả năng cạnh tranh.
Tỷ lệ thất nghiệp của nước Ý vẫn cao. (Ảnh: Valuewalk)
Ông Grillo cho rằng, nước Ý với khoản nợ cao thứ hai sau Hy Lạp trong khối Eurozone, theo Ủy ban châu Âu, nên rời khỏi nhóm. Khi được hỏi rằng liệu Ý có nên trở lại với lira - đồng tiền của Ý trước khi sử dụng đồng euro, ông Grillo nhấn mạnh: “Có. Với một ngân hàng trung ương kiểm soát được tỷ giá hối đoái… Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể làm điều đó. Mỗi quốc gia có một đồng tiền riêng, và ECB đang kiểm soát sự biến động của tỷ giá hối đoái”.
Đồng thời, Grillo thừa nhận ông không phải là 1 chuyên gia kinh tế, nhưng chủ trương chống các "chính sách thắt lưng" buộc bụng được đưa ra bởi 2 nhà kinh tế học Joseph Stiglitz và Paul Krugman.
Mặc dù vậy, kinh tế Ý đang trên đường hồi phục trở lại sau thời kì suy thoái kinh tế kéo dài. Cụ thể, nền kinh tế của nước này đã tăng trưởng 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2015 so với 3 tháng trước đó (số liệu của Cục Thống kê Ý). Chính phủ nước này đang dần cố gắng để cải cách thị trường lao động cho linh hoạt hơn, còn tỷ lệ thất nghiệp ở Ý vẫn còn cao: lên tới 12,4% trong tháng 5 vừa qua, theo Eurostat (Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu).
Trọng Sang
Theo CNBC