Giới trẻ tiên phong khởi nghiệp công nghệ
Nhộn nhịp Start up công nghệ, chuyển đổi số trong đại dịch
Những ngày cuối năm, CEO Nguyễn Trọng Hoàng Việt cùng các công sự Techainer vẫn tất bật với những dự án, duy trì làm việc từ xa với khách hàng và đảm bảo đúng tiến độ công việc của một Start up công nghệ trong đại dịch.
Những nhà sáng lập của Techainer đều là những người trẻ, họ gặp nhau trong một cuộc thi về trí tuệ nhân tạo khi đang còn là sinh viên và cùng được nghe về tiềm năng phát triển của AI tại Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á. Tâm đắc với những chia sẻ đó, sau khi ra trường, 4 chàng trai Nguyễn Trọng Hoàng Việt; Vương Hoài Nam, Hoàng Tùng Lâm và Phạm Đăng Hồng Sơn đã cùng nhau khởi nghiệp, sáng lập Techainer với mong muốn tạo ra các giải pháp công nghệ nhằm giải quyết mọi bài toán thực tiễn về tự động hóa trong vận hành nội bộ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
“Việt Nam đang quan tâm nhiều đến phát triển công nghệ, bản thân những người trẻ Việt Nam tiếp cận khá sớm với công nghệ mới. Những người trẻ nghiên cứu AI ở Việt Nam cũng có mức độ nổi tiếng so với thế giới. Điều đấy có thể thấy Việt Nam có môi trường tiềm năng để phát triển việc nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo” – CEO Nguyễn Trọng Hoàng Việt chia sẻ.
Thành lập từ tháng 11-2019, Techainer cũng giống với nhiều doanh nghiệp khác phải đối mặt với nhiều thách thức qua hai đợt dịch COVID-19 năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, vận dụng đặc thù của ngành công nghệ thông tin, ban lãnh đạo đã chủ động vận hành và duy trì hoạt động Techainer làm việc từ xa để công việc không bị ngừng trệ.
Nguyễn Trọng Hoàng Việt, CEO Techainer |
Hơn nữa, dịch COVID-19 cũng tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để cải thiện hoạt động. Nhờ vậy, Techainer với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp giúp đẩy nhanh số hóa, tối ưu “nội lực” và giảm thiểu tối đa rủi ro trong vận hành cho các tổ chức, doanh nghiệp đã được nhiều khách hàng tìm đến. Theo đó, trong năm 2021, tổng giá trị hợp đồng mà Techainer ký kết được đã lên tới 9 con số, tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhưng để đi đến con số tăng trưởng đó là một chặng đường khó khăn của những người sáng lập và đội ngũ nhân viên. Hồi tưởng về những ngày đầu mới thành lập, Hoàng Việt cho biết Techainer gặp không ít khó khăn.
“Thời gian đầu, chúng tôi phải thuyết phục khách hàng khi mà chưa có sản phẩm nào cả. Mỗi founder phải kiêm rất nhiều việc, làm sản phẩm demo, slide và làm sao để nhận được sự tin tưởng của khách hàng.
Việc cân đối chi tiêu cũng là một vấn đề cần phải chú tâm trong những ngày đầu. Không thể phủ nhận nguồn vốn ban đầu là một trong những yếu tố quan trọng để vận hành một doanh nghiệp, nhất là để phát triển về khoa học công nghệ cần đầu tư về cơ sở vật chất rất nhiều.
Thứ 3, Techainer tập trung nhiều vào sản phẩm, chọn ít khách hàng hơn nhưng đem đến sản phẩm chất lượng hơn, vì vậy nên quan trọng nhất là tìm tòi, nghiên cứu về công nghệ. Với một lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo AI, mặc dù cộng đồng và các giải pháp nhiều nhưng để production được thì thực sự rất khó, vừa phải đảm bảo độ chính xác gần như tuyệt đối, còn phải đảm bảo tốc độ, tính ổn định, tiết kiệm chi phí, có những thứ phải xây dựng hoàn toàn từ đầu, rất mất công sức và nhân lực.”
Khi cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mở ra một kỷ nguyên số vô cùng sôi động, những lĩnh vực khác như văn hoá – nghệ thuật cũng không nằm ngoài địa hạt số hoá mạnh mẽ.
Hai năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS) đã bắt tay hợp tác, để cho ra đời Ứng dụng Thuyết minh đa phương tiện Imuseum VFA. Ứng dụng tái hiện 100 hiện vật là những tác phẩm đặc sắc nhất của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi hiện vật đều có mã QR và một số định danh riêng dán bên cạnh. Khi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, du khách chỉ cần mở tính năng quét mã, lập tức thông tin tác phẩm được hiển thị, bao gồm audio, ảnh chất lượng cao, text và vị trí trưng bày của hiện vật. Đối với những du khách tham quan online thì các bạn có thể xem thông tin toàn bộ album 100 hiện vật, đồng thời cũng có thể nhập các từ khóa để tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm và chất liệu bằng công cụ tìm kiếm của ứng dụng.
Các doanh nghiệp trẻ mới start up về công nghệ gặp không ít khó khăn |
Chị Cai Thái Hoàng Uyên, Quản lí dự án này cho biết: “Mặc dù ứng dụng ra mắt trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, khó kiểm soát nhưng từ cuối tháng 4/2021 đến nay, chúng tôi đã phục vụ hàng vạn lượt khách tham quan. Ra mắt đúng thời điểm đại dịch COVID-19, du khách mỹ thuật có số lượng ở mức đáy trong nhiều chục năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy dịch bệnh lại như một cú hích giúp chúng tôi dư thời gian để mài giũa, trau chuốt sản phẩm, suy nghĩ thấu đáo về xây dựng hình ảnh sản phẩm qua các hoạt động truyền thông, nhất là trên môi trường online.”
Chị Uyên cũng cho biết để xây dựng được ứng dụng này, những người làm dự án đã nghiên cứu học hỏi rất nhiều bảo tàng lớn trên thế giới như The Met Museum của Mĩ, Louvre Museum của Pháp, Rijksmuseum của Hà Lan và Bảo tàng Quốc gia Singapore, đồng thời gặp không ít khó khăn khi phải “xây rồi đập rồi xây” tới hơn 160 phiên bản khác nhau, đúc rút, tích hợp mới ra được phiên bản hoàn thiện nhất.
Đội dự án iMuseum VFA đã phải bỏ ra thời gian, công sức, chi phí lớn hơn hình dung ban đầu rất nhiều để tạo ra một ứng dụng hữu ích cho những người tham quan bảo tàng trực tiếp và trực tuyến.
“Để một sản phẩm công nghệ thông tin trở nên tiện dụng, chạy thật mượt, có sức hấp dẫn, bảo mật tốt, và nhất là phục vụ cùng lúc được cho rất nhiều người thì thời gian công sức dành cho nó phải nhiều hơn những hình dung thông thường rất nhiều. Ứng dụng di động đa phương tiện thì một số bảo tàng lớn trên thế giới đã có, nhưng họ khác Việt Nam rất xa về điều kiện kinh phí. So với họ thì điều kiện nguồn lực của chúng ta rất khiêm tốn, song chúng ta vẫn phải làm ra được ứng dụng với chất lượng cơ bản không thua gì họ, thậm chí có mặt còn hơn. Imuseum VFA phải tự xây những viên gạch đầu tiên, vì là ứng dụng tiên phong ở Việt Nam nên không có template nào sẵn để dựa vào đó mà phát triển lên” – chị Uyên chia sẻ.
Rút ngắn khoảng cách về công nghệ với thế giới
Từ những dự án chuyển đổi số đến start up về công nghệ, những người trẻ bộc lộ tâm tư về lý tưởng phát triển đất nước qua việc rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới.
Với những doanh nghiệp trẻ mới start up về công nghệ, khó khăn không chỉ đến từ việc phát triển nội tại trong doanh nghiệp mà còn đến từ việc cạnh tranh với những doanh nghiệp đàn anh – những doanh nghiệp đã có tính định danh và phát triển vượt bậc hơn.
Giới trẻ cần tiên phong để rút ngắn khoảng cách về công nghệ với thế giới |
Về vấn đề này, Nguyễn Trọng Hoàng Việt, CEO Techainer cho rằng thay vì những doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau để giành khách hàng thì nên có sự hợp tác để cùng nhau phát triển, từ đó cùng nhau cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
“Tuy nhiên, với những doanh nghiệp lớn, việc hợp tác để cùng phát triển này không khả thi, bởi khi họ có tiềm lực về tài chính, họ muốn thành lập một đội nhóm riêng để phát triển theo góc nhìn của họ. Điều này giống như cua với ốc tranh nhau trong một vũng bùn và ngày càng lún sâu vào vũng bùn đấy. Cho đến khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam với vị thế lớn mạnh hơn, chúng ta sẽ đánh mất khách hàng. Vì thế nên chúng tôi luôn đau đáu làm thế nào để người Việt cộng tác với người Việt để cạnh tranh công bằng với thị trường quốc tế.” – anh Việt nhấn mạnh.
Có thể thấy khoảng cách về công nghệ giữa nước ta và thế giới là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, công nghệ cũng chính là chìa khóa rút ngắn khoảng cách đó, và những người trẻ tiên phong trong start up công nghệ, đón đầu chuyển đổi số chính là động lực để bắc cây cầu số hoá trên nhiều lĩnh vực, đưa đất nước phát triển.
“Nhìn lại những câu chuyện của các quốc gia hóa rồng, câu chuyện của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2 những năm 1950 - 1960, câu chuyện của Hàn Quốc, Singapore những năm 1970 – 1980…, dễ thấy những người trẻ, doanh nhân trẻ tại khúc quanh ấy đã tạo nên vị thế cho quốc gia của họ ngày hôm nay. Thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay cũng đang ở khúc quanh đó và quan trọng là chúng ta cần có tầm nhìn để có được tốc độ đi vào khúc quanh, vượt mặt trong khúc quanh” – anh Lê Trí Thông, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM chia sẻ.
Công ty khởi nghiệp Pazzi Robotics triển khai các giải pháp cung cấp bánh pizza hoàn toàn tự động Pazzi Robotics, một công ty khởi nghiệp (start-up) về robot và phần mềm nhà bếp của Pháp, gần đây đã ra mắt các giải pháp đóng gói hoàn toàn tự động cho ngành Thực phẩm và Đồ uống (Food and Beverage: F & B). Các giải pháp bao gồm từ chuẩn bị thực phẩm đến lắp ráp cuối cùng, dựa trên các quy trình hoàn toàn tự động do robot thực hiện. |
Khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống dân tộc Đó là ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên của trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tại vòng bán kết cuộc thi Startup Kite 2021 do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA đã phát động. |
Phát động Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021 Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021 chính thức được phát động theo hình thức trực tuyến từ ngày 16/9. Chủ đề của Ngày hội năm nay là: “Embracing Innovation - Reshaping The Future” (Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai)... |